Các vệ tinh định vị toàn cầu Galileo bắt đầu đặt dấu ấn cho kỷ nguyên mới

Image Content

Ngày 21/10/2011, hai vệ tinh đầu tiên của hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Châu Âu Galileo đã được phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ Châu Âu tại French Guiana, sử dụng tàu phóng Soyuz của Liên bang Nga (Bản tin Công nghệ số 30 ngày 22/10/2011). Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Châu Âu ESA, toàn bộ các giai đoạn hoạt động của tàu Soyuz đều đã hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo, vào bước cuối cùng Fregat-MT cũng đã tách thành công hai vệ tinh Galileo và đặt các vệ tinh này vào đúng quỹ đạo thiết kế ở độ cao 23.222 Km, đúng 3 giờ 49 phút kể từ sau khi rời bệ phóng.

GALILEO GNSS

“Lần phóng tàu này thể hiện được nhiều mặt cho Châu Âu: Chúng tôi đã đặt lên quỹ đạo hai vệ tinh đầu tiên cấu thành hệ thống Galileo, hệ thống sẽ xác định lục địa Châu Âu trở thành một trong những khu vực sở hữu hệ thống dẫn đường vệ tinh chiến lược của thế giới, mang lại lợi ích to lớn trong lĩnh vực kinh tế”, Ông Jean-Jacques Dordain, Tổng Giám đốc của ESA phát biểu. “Lần phóng tàu này góp phần củng cố vị trí và vai trò của Châu Âu trong lĩnh vực hợp tác không gian ở mức toàn cầu”.

Việc phóng và đưa vệ tinh vào giai đoạn quỹ đạo sớm (LEOP), sẽ được giám sát bởi sự phối hợp giữa ESA và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Pháp CNES đặt tại Toulouse - Pháp, toàn bộ quá trình sẽ kết thúc vào ngày 2/12/2011. Quy trình điều khiển các vệ tinh sau đó sẽ được bàn giao cho SpaceOpal, là liên minh giữa Trung tâm Không gian Đức DLR và Telespazio của Ý, quy trình kiểm tra sẽ được thực hiện trong 90 ngày liên tục trước khi tích hợp hệ thống và chuyển sang giai đoạn chính thức hoạt động trên quỹ đạo (IOV), theo đó hợp phần không gian của hệ thống Galileo, hợp phần điều khiển mặt đất và hợp phần người sử dụng sẽ được kiểm tra thử nghiệm toàn diện. Hai vệ tinh Galileo tiếp theo, hoàn chỉnh giai đoạn IOV, và đã được lập kế hoạch phóng vào mùa hè năm 2012.

Tiến sỹ A. Smith, phụ trách đo đạc của Cơ quan Đo đạc Quốc gia Hoa Kỳ (NGS) trực thuộc NOAA, phát biểu rằng: Cơ quan này đã ghi nhận những thay đổi trong hệ thống GNSS đồng thời cũng xác nhận trong kế hoạch phát triển 10 năm tiếp theo của mình. Kế hoạch phát triển của NGS ghi rõ “Các vấn đề liên quan đến ba hệ thống GNSS buộc phải được ghi nhận một cách nghiêm túc cho mạng lưới CORS quốc gia, để duy trì liên tục một công cụ hữu hiệu phục vụ cho định vị chính xác trong Hệ thống Tham chiếu Không gian Quốc gia NSRS. Trước tiên, tất cả những thay đổi của thế giới GNSS buộc phải được đánh giá cẩn thận. Cùng với đó, các chuỗi tín hiệu và trùm vệ tinh mới khi bắt đầu hoạt động, NGS cần đánh giá và tính toán việc thay thế phần cứng CORS một cách hợp lý để đáp ứng được những thay đổi này (Hợp phần hạ tầng nền tảng CORS, thiết bị CORS hiện có sẽ không cần phải nâng cấp cho tới khi có một hợp phần nào đó hỏng hay không hoạt động, tuy nhiên hợp phần thay thế cũng cần tuân thủ theo các quy định của NGS về hệ thống CORS và GNSS). Thứ hai, NGS cung cấp cho người dùng phần mềm khai thác được bất kỳ hoặc toàn bộ các tín hiệu GNSS. Theo đó, hệ thống OPUS-GNSS buộc phải cho phép khai thác tất cả các khả năng, từ đơn tần số, định vị GPS chuỗi giả mỗi giây từ ba trùm vệ tinh, đến đa tần số, đo đạc 24 giờ với pha sóng tải bằng nhiều ăngten trong một chuỗi, và tất cả những biến thể nằm trong các ứng dụng trên. Thứ ba, phần mềm xác định quỹ đạo được sử dụng cho NGS buộc phải tính đến tất cả những thay đổi của GNSS, để có thể hỗ trợ toàn diện cho các ứng dụng”.

GLONASS GNSS

Những điểm mốc quan trọng trong kế hoạch mười năm mà NGS đã xác định với mục đích cuối cùng đạt được vào năm 2018, bao gồm cả việc NGS sẽ cung cấp độ chính xác các quỹ đạo vệ tinh tới 1cm cho GPS, GLONASS và Galileo, cùng với độ chính xác 1cm khi truy cập vào số liệu điểm đo theo kinh độ, vĩ độ và cao độ cho tất cả người sử dụng GNSS nói chung, mà không cần xét tới việc sử dụng trùm vệ tinh nào, giới hạn thời gian thu số liệu ít hơn bốn giờ đồng hồ ở bất kỳ đâu trên lục địa Hoa Kỳ và các vùng đất thuộc quyền quản lý của Hoa Kỳ.

Tiến sỹ Joseph V.R. Paiva, chuyên gia tư vấn công nghệ geomatics và biên tập viên của tạp chí POB thì cho rằng các nhà đo đạc chưa được hưởng những lợi ích từ các vệ tinh Galileo. “Những rủi ro liên quan đến thông tin số liệu thu được từ các vệ tinh khi bắt đầu hoạt động có thể sẽ là nguyên nhân gây ra việc trì hoãn trong những lần phóng tàu kế tiếp” Tiến sỹ Joseph nói. “Nên cân nhắc việc các máy thu tín hiệu vệ tinh sẽ bị lỗi thời về mặt công nghệ như thế nào, để thấy rõ lý do có cần vội vã quyết định mua ngay các máy thu mới với các chức năng liên quan đến hệ thống Galileo hay không”. Tiến sỹ cũng lưu ý rằng việc phóng tàu mới chỉ là lý do đầu tiên để bắt đầu cân nhắc về tương lai của hệ thống Galileo, có lẽ sẽ rõ ràng hơn vào năm 2013 hay 2014.

Ông David Doyle, phụ trách đo đạc khống chế của NGS, NOAA cũng đồng ý rằng đây là lý do để có thể lạc quan về tương lai. “Đây nên được coi là mốc quan trọng bắt đầu của một sự kiện mà tất cả chúng ta đều đang trông đợi, bước cải thiện một cách ấn tượng công nghệ trong định vị vệ tinh toàn cầu, xác định thời gian và dẫn đường” David nói. “Vẫn cần có thời gian cho đến khi có đủ số vệ tinh cần thiết trong trùm vệ tinh Galileo để bắt đầu thực sự cung cấp số liệu phục vụ cho các hoạt động đo đạc và bản đồ diễn ra hàng ngày, nhưng đây vẫn là sự khởi đầu thực sự tốt”.

GPS BLOCK IIR

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn

Xin chân thành cảm ơn!