Ứng dụng GPS nghiên cứu hoạt động núi lửa

Image Content

Ngay từ khi Iceland còn là một vùng đất dân cư thưa thớt, người dân nơi đây vẫn luôn nhận được những cảnh báo nguy hiểm có liên quan đến ngọn núi lửa mang tên Eyjafjallajokull, Eyjafjallajokull là núi lửa lớn bắt đầu hoạt động mạnh trở lại từ tháng 3 năm 2010. Tuy nhiên, chỉ khi những đám tro bụi khổng lồ thoát ra từ miệng núi lửa làm cho các hãng hàng không phải hủy bỏ nhiều chuyến bay qua khu vực này, cùng với đó ngành du lịch cũng phải gánh chịu thiệt hại bởi rất nhiều du khách đã và đang thay đổi kế hoạch thăm quan của họ, điều này khiến nhà chức trách không thể không chú ý tới các giải pháp dự báo, phòng tránh để giảm thiểu những thiệt hại về vật chất và con người có thể gây ra bởi thảm họa núi lửa phun trào ở khu vực này.

Trong vài năm trở lại đây, các nhà khoa học tại Iceland, Thụy Điển và Hà Lan đã cùng phối hợp quan sát và nghiên cứu núi lửa Eyjafjallajokull bằng công nghệ định vị GPS. Các nhà nghiên cứu tiến hành theo dõi ngọn núi Eyjafjallajokull từ đầu năm 2009, khi bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo về khả năng hoạt động trở lại của nó. Theo giáo sư địa lý Kurt Feigl_ trường Đại học Wisconsin-Madison, ngày nay chúng ta khá dễ dàng dự đoán được thời điểm núi lửa chuẩn bị phun trào bởi những rung động mặt đất trước khi xảy ra các đợt phun trào chính.

Vài tháng trước khi phun trào, ngọn núi lửa Eyjafjallajokull đã cảnh báo các cư dân trong khu vực bằng những đợt chấn động. Các nhà khoa học nghiên cứu núi lửa ở Iceland thậm chí có thể nghe được sự chuyển động của dòng mắc-ma nóng chảy bên trong lòng núi. Dấu hiệu tiếp theo trước khi núi lửa phun trào đó là sự tăng dần kích thước của ngọn núi. Mắc-ma từ sâu trong lòng trái đất bắt đầu dâng lên thông qua mạng lưới các kênh dẫn bên trong, làm cho bề mặt núi lửa bắt đầu giãn nở.

Một nhóm các nhà khoa học và nghiên cứu quốc tế đã cảnh báo về sự giản nở này khi trạm nghiên cứu GPS đặt trên bề mặt ngọn núi Eyjafjallajokull dịch chuyển nhẹ. Để quan sát kỹ hơn các hoạt động của ngọn núi lửa họ đã quyết định đặt thêm các trạm GPS. Không phải chờ đợi lâu, chỉ vài tuần sau đó dung nham đã bắt đầu trào ra khỏi miệng núi Eyjafjallajokull. Sau khoảng thời gian tạm ngừng, núi lửa đã phun trào trở lại, lần này nó tạo ra những đám mây bụi khổng lồ khiến bầu trời trở nên âm u, điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hàng không Châu Âu trong nhiều tuần liên tiếp.

Thật may mắn, thảm họa đã được cảnh báo sớm, mức độ tàn phá của núi lửa cũng được tính toán và không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Với sự trợ giúp của công nghệ GPS và hệ thống vệ tinh hiện đại, các nhà khoa học có thể thường xuyên dự đoán thảm họa thiên nhiên như sự phun trào của các núi lửa hay sự hoạt động trở lại của các ngọn núi lửa được cho là đã ngủ yên. Các trạm GPS đặt trên bề mặt thực sự hữu ích trong việc hỗ trợ giám sát các ngọn núi lửa và đã được áp dụng thành công đối với các ngọn núi ở Iceland.

Công nghệ GPS cũng được sử dụng để giám sát các hiện tượng thiên nhiên khác, như sự biến động dọc theo các đứt gãy bề mặt trái đất hay sự thay đổi nhiệt độ tầng khí quyển. Bằng việc sử dụng công nghệ tiên tiến, các nhà nghiên cứu có thể dự đoán các thảm họa thiên nhiên trước khi nó diễn ra, giúp giảm thiểu thiệt hại và nâng cao khả năng bảo vệ tính mạng của con người. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng có thể sử dụng các thiết bị GPS để thu thập nhiều thông tin hữu ích về thế giới mà chúng ta đang sống.


Tác giả Greg Barlett (Daily GPS News - RMT)

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn

Xin chân thành cảm ơn!