Ứng dụng công nghệ Laser và công nghệ GPS trong đo đạc, thu thập thông tin ngoại nghiệp (Phần cuối)

Image Content

 KẾT HỢP HAI CÔNG NGHỆ LASER VÀ GPS

Trong thực tiễn, việc triển khai công nghệ GPS trên diện rộng gặp phải rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đầu tiên gây cản trở cho công nghệ định vị vệ tinh GPS là các vị trí bị che khuất, không có khả năng quan sát bầu trời. Ví dụ, khi thu thập số liệu trong khu vực đô thị nhiều nhà cao tầng, dưới tán cây rừng, khu vực thung lũng hay khe núi cao… Khó khăn thứ hai là việc phải di chuyển liên tục trong quá trình thu thập số liệu chi tiết, bởi một trong những đặc điểm của đo đạc thu thập số liệu sử dụng công nghệ định vị vệ tinh là “Muốn đo đối tượng nào phải tiếp cận trực tiếp đến đối tượng đó”. Tuy nhiên, trong thực tế việc tiếp cận tận nơi các đối tượng đôi khi là nhiệm vụ bất khả thi. Mặc dù vậy, những khó khăn mà công nghệ GPS gặp phải sẽ được giải quyết một cách khá đơn giản nếu kết hợp máy thu GPS với máy đo khoảng cách laser cầm tay.

Sự kết hợp giữa máy thu GPS và thiết bị đo Laser rất thuận tiện cho người sử dụng

Với sự xuất hiện của thiết bị đo khoảng cách sử dụng công nghệ laser, đặc biệt là các máy đo công nghệ cao TruPulse được tích hợp sẵn la bàn điện tử và cảm biến góc nghiêng. Công nghệ GPS đã có thêm giải pháp bổ sung hoàn chỉnh nhất, đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ đo GPS ở bất kỳ vị trí nào dựa vào kỹ thuật đo bù dịch chuyển GPS (Offset GPS). Sự kết hợp này, sẽ khắc phục được gần như hoàn toàn những khó khăn mà nhiệm vụ đo GPS thường gặp phải trong thực tiễn. Dưới đây là những lợi ích cho người sử dụng khi kết hợp công nghệ định vị vệ tinh GPS và công nghệ đo đạc khoảng cách laser:

   Xác định toạ độ các đối tượng bị che khuất bởi tán cây, toà nhà cao tầng … bằng kỹ thuật đo Offset GPS.

  Không cần tiếp cận trực tiếp tới vị trí đối tượng cần đo. Đối với những vị trí nguy hiểm hoặc không thể tiếp cận và đo được trước đây đều có thể đo được bằng kỹ thuật đo Offset GPS.

  Đo xác định các thông số thuộc tính cho đối tượng như: Chiều cao, kích thước, khoảng cách ảnh hưởng tới các đối tượng xung quanh …

  Xác định hệ số chênh cao giữa điểm đứng đo và đối tượng đo.

  Xác định góc phương vị tới đối tượng đo.

  Có khả năng kết nối với các phần mềm tiện ích khác phục vụ cho đa mục đích ứng dụng.

 

Chúng tôi đã lựa chọn các thiết bị đo khoảng cách Laser TruPulse 360B và ImPulse 200LR, kết nối với máy thu GPS Trimble GeoXT 2008 và Juno SB để tiến hành thực hiện các nhiệm vụ trên. Kết quả được chuyển vào phần mềm Google Earth để kiểm tra vị trí của các đối tượng trên thực địa và tọa độ vị trí trên ảnh Google Earth. Sai số tương hỗ vị trí điểm của phép đo GPS kết hợp với thiết bị đo khoảng cách laser cầm tay đạt được trong khoảng 6 ¸ 10 mét (Chưa tiến hành xử lý sau số liệu đo thực địa). Sai số này hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu đo đạc và thu thập thông tin ngoại nghiệp trong ngành Địa hình Quân sự Việt Nam.

 

Kết quả thử nghiệm kết hợp hai công nghệ Laser và GPS được thể hiện trên nền dữ liệu Google Earth

KẾT LUẬN

Sự kết hợp giữa công nghệ GPS và thiết bị đo laser không chỉ loại bỏ những hạn chế của từng thiết bị khi hoạt động độc lập mà còn bổ sung chức năng và phát huy tối đa sức mạnh của hai công nghệ tiên tiến, góp phần giảm tải những khó khăn trong công tác ngoại nghiệp. Với những khả năng và chỉ tiêu kỹ thuật vượt trội, cùng sự kết hợp và bổ sung hoàn hảo cho những khiếm khuyết của công nghệ GPS. Công nghệ đo khoảng cách Laser sẽ tạo nên một sự biến chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực đo đạc và thu thập thông tin ngoại nghiệp của ngành Địa hình Quân sự Việt Nam. Hơn nữa, sự kết hợp hai công nghệ tiên tiến này sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong hoạt động của nhiều lĩnh vực có liên quan đến khảo sát, đo đạc thực địa, đặc biệt phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ của Quân đội trong thời đại kỹ thuật, công nghệ cao liên tục phát triển, luôn có những thay đổi mang tính cách mạng.

Qua quá trình thử nghiệm, cũng như các vấn đề kỹ thuật liên quan đã đề cập trong nội dung của bài viết. Chúng tôi tin tưởng rằng khả năng kết hợp của hai công nghệ này sẽ mở ra rất nhiều hướng ứng dụng mang tính đột phá tại Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực Địa hình Quân sự, mà còn trong rất nhiều các ứng dụng khác như bản đồ, thu thập số liệu GIS, lâm nghiệp, nông nghiệp, bưu chính viễn thông, xây dựng, giám sát biến động …

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn

Xin chân thành cảm ơn!