Ứng dụng công nghệ GPS hỗ trợ dự báo động đất tại Hoa Kỳ

Image Content

California và Alaska là hai khu vực của Hoa Kỳ thường xuyên xảy ra động đất – đây là những vùng mà các hoạt động kiến tạo địa tầng đang diễn ra khá mạnh. Ở những khu vực thường xảy ra động đất trên khắp thế giới, việc dự báo chính xác thời điểm có thể xảy ra thảm họa sẽ giúp tránh được rất nhiều thiệt hại về con người và vật chất. Trong nhiều năm vừa qua, các nhà địa vật lý và địa chấn học trên thế giới đã sử dụng công nghệ GPS/GNSS để nghiên cứu và tìm hiểu về mối liên hệ giữa sự dịch chuyển vỏ Trái Đất với các trận động đất xảy ra, cũng như các thảm họa tự nhiên khác như núi lửa, sóng thần.

Nguyên nhân

Động đất là sự rung chuyển đột ngột của thạch quyển tại một điểm nào đó trong lòng đất gây nên sự dao động lan truyền trên một diện tích lớn hoặc nhỏ. Động đất có nhiều  nguyên nhân, có thể do các vụ nổ của núi lửa, sự thành tạo các đứt gãy lớn và sự dịch chuyển của hai cánh theo mặt trượt, các vụ nổ nhân tạo có năng lượng lớn để lấp sông, hồ…cũng gây ra động đất cường độ yếu. Tuy nhiên, các trận động đất lớn đều liên quan tới sự dịch chuyển của các mảng thạch quyển, nhất là các đới hút chìm, các đới xô húc giữa các mảng. Việc đo đạc quan trắc liên tục bằng công nghệ định vị vệ tinh GPS/GNSS có thể hỗ trợ các nhà địa chấn học xác định được sự dịch chuyển vị trí của các bộ phận đứt gãy, giám sát mức độ gia tăng ứng suất có thể dẫn đến thảm họa biến đổi địa chấn nói trên.

Nghiên cứu thực tế

Sông Rio Grande Rift, trải dài từ miền Trung Colorado tới bang New Mexico với vô số các đứt gãy và miệng hố, trước đây đã từng được coi là vùng đất tử thần. Ngày nay, sau khoảng 4 năm xây dựng gần 300 trạm quan trắc đo đạc liên tục bằng công nghệ GPS/GNSS, các nhà khoa học đã xác định được mỗi năm rãnh nứt lại mở rộng thêm 0,1 mm. Nghiên cứu trên còn chỉ ra rằng, vỏ Trái Đất bị biến dạng không chỉ trong giới hạn các đứt gãy Rio Grande Rift mà đã kéo dài đến 370 cây số, gần bằng chiều rộng bang New Mexico.

 

Kết quả

Anne Sheehan, nhà nghiên cứu địa chấn học của trường Đại học Colorado tại Boulder, đồng tác giả của công trình nghiên cứu về đứt gãy Rio Grande Rift cho rằng, những kết quả thu được từ sự biến đổi vị trí các vết nứt là dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra động đất trong khu vực. Điều này giúp cho việc xây dựng hệ thống những quy định nghiêm ngặt, các hình thức cảnh báo sớm đối với những khu vực có nguy cơ cao, đồng thời cũng giúp cho chính phủ có đủ điều kiện lập phương án di dân tránh khu vực có thể xảy ra động đất. Công nghệ định vị vệ tinh GPS/GNSS có thể hỗ trợ các nhà hoạch định trong việc lên kế hoạch chuẩn bị đối phó một cách tốt nhất. Henry Berglund – nhà nghiên cứu địa vật lý học của trường Đại Học Navstar Consortium, thuộc tổ chức nghiên cứu khoa học về Trái Đất, đã đưa ra nhận xét rằng: “GPS/GNSS không phải là một công cụ dự báo, nhưng GPS/GNSS sẽ cho chúng ta biết nếu biến dạng vỏ Trái đất, cụ thể là các vết đứt gãy ngày càng mở rộng, điều đó đồng nghĩa với việc động đất có khả năng sẽ xảy ra trên nhiều khu vực, không chỉ là những khu vực đã cảnh báo trước đây.”

Mặc dù việc ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh GPS/GNSS trong việc giám sát vỏ Trái đất và biến động đứt gãy, có thể chưa đưa ra được dự đoán chính xác về thời điểm xảy ra thảm họa, nhưng đây sẽ là công cụ hỗ trợ các nhà khoa học lường trước khả năng xảy ra thảm họa, bằng việc xác định những thay đổi cũng như các yếu  tố liên quan, có thể gây ra những thảm họa tự nhiên này.

Quan trắc dịch chuyển vỏ trái đất bằng GPS/GNSS tại Nhật Bản

Quan trắc dịch chuyển vỏ trái đất bằng GPS/GNSS tại California – Hoa Kỳ

Nguồn: Daily GPS News

Dịch, biên soạn và bổ sung: Nhóm Kỹ thuật & Công nghệ - Công ty TNHH ANTHI Việt Nam.

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn

Xin chân thành cảm ơn!