Trung Quốc tiếp tục đưa hai vệ tinh dẫn đường lên quỹ đạo

Image Content

Mới đây, Trung Quốc vừa công bố đã phóng thành công hai vệ tinh dẫn đường mới, đưa tổng số vệ tinh trong hệ thống định vị Bắc Đẩu 2 (Beidou/Compass) đang hoạt động trên quỹ đạo lên con số mười ba. Mục tiêu của Trung Quốc là sớm đưa hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu vào hoạt động, nhằm giảm thế độc tôn của hệ thống GPS Hoa Kỳ. Hai vệ tinh này được đưa lên quỹ đạo bởi tên lửa đẩy Trường Chinh 3B (Long March – 3B) vào lúc 4:50 sáng ngày 30 tháng 4 (giờ Bắc Kinh) từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên hai vệ tinh được phóng đồng thời chỉ sử dụng một tên lửa đẩy (theo nguồn tin Tân Hoa xã).

Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đang nhanh chóng triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống định vị vệ tinh mang tên Bắc Đẩu (Beidou/Compass). Bắc Đẩu được cấu thành bởi hơn 30 vệ tinh với các  chức năng cung cấp dịch vụ định vị, dẫn đường và thời gian khác nhau, phủ trùm trên toàn cầu. Khi Bắc Đẩu chính thức đi vào hoạt động, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, sau Nga và Hoa Kỳ, sở hữu hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu của riêng mình. Theo một tờ báo được phát đi từ Chính phủ Trung Quốc, hệ thống định vị Bắc Đẩu “được thiết kế để phá bỏ sự lệ thuộc vào hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS của Hoa Kỳ” và sẽ được sử dụng cho cả các ứng dụng dân sự lẫn an ninh quốc phòng.

Năm ngoái, Trạm thí nghiệm không gian đầu tiên của Trung Quốc, Thiên Cung 1 (Tiangong-1), được phóng lên vũ trụ, đây là bước đầu tiên trong kế hoạch xây dựng trạm không gian của Trung Quốc sau Nga và Hoa Kỳ, dự kiến trạm sẽ được hoàn thành vào năm 2020. Trong khi Hoa Kỳ đang thực hiện cắt giảm ngân sách các chương trình không gian, thì Trung Quốc lại bơm hàng tỉ Nhân dân tệ vào chương trình phát triển không gian và vệ tinh của mình. Cuối năm ngoái, rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về việc Trung Quốc phóng thành công Thiên Cung 1 và xem đây như là “Cuộc trình diễn mới nhất về tăng cường sức mạnh không gian quốc gia, trong lúc ngân sách hạn chế và suy thoái kinh tế, nhằm lấy lại vị trí thống trị không gian của Hoa Kỳ”.

Thông qua hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, Trung Quốc chính thức giới thiệu các dịch vụ dẫn đường vệ tinh tới các quốc gia trên thế giới, với hy vọng thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Bắt đầu từ năm nay, hệ thống Bắc Đẩu sẽ cung cấp dịch vụ các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các dịch vụ mà Bắc Đẩu cung cấp cũng tương đương với các dịch vụ của hệ thống GPS, nhưng cũng có những dịch vụ được cho là ưu việt hơn cả GPS. Giám đốc Cơ quan Quản lý Dẫn đường vệ tinh Trung Quốc, ông Ran Changqui dự tính, hệ thống Bắc Đẩu với các dịch vụ kèm theo sẽ mang về cho ngân sách Trung Quốc khoảng 400 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 63,5 tỷ USD) vào năm 2020.

Trung Quốc không chỉ phóng lên quỹ đạo các vệ tinh của riêng quốc gia này, mà còn thực hiện dịch vụ phóng vệ tinh cho những quốc gia khác trong khu vực. Theo thống kê, Trung Quốc đã giúp phóng hơn 20 vệ tinh cho các nước như Bolivia, Pakistan và Nigeria, ví dụ như vệ tinh viễn thông đầu tiên của Pakistan - PAKSAT-1R.

Một điều đáng chú ý diễn ra vào tuần trước, khi các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đồng loạt đưa tin về vệ tinh thu ảnh radar đầu tiên của Ấn Độ - RISAT-1, họ cho rằng đó là “một vệ tinh gián điệp”. Có nhiều hoài nghi đối với tham vọng của Trung Quốc trong nỗ lực phát triển hệ thống Bắc Đẩu, liệu rằng có những mưu toan nào khác đằng sau chương trình? Tuy nhiên, giới quan chức nước này đang rất nỗ lực để hạ nhiệt những căng thẳng đang trên đà leo thang. Sau khi đưa thành công Thiên Cung 1 lên vũ trụ, Tân Hoa xã đã cố gắng xoa dịu những nghi ngờ cho rằng Thiên Cung 1 là bằng chứng của “một làn sóng chạy đua vũ trụ mới”. Đồng thời, Chính phủ cũng tuyên bố rằng Trung Quốc “không phải là quốc gia đầu tiên khám phá không gian, cũng không phải quốc gia có nền công nghệ tiên tiến nhất thế giới, vì vậy chẳng có lý do gì khiến Trung Quốc có thể gây nên mối quan ngại cho các quốc gia khác”.

Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi có được, hai vệ tinh mới phóng này đã bắt đầu hoạt động vào ngày 06/05/2012. Một số trạm theo dõi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu theo dõi được vệ tinh vào lúc 08.00 giờ UTC. Các vệ tinh quỹ đạo trung bình trái đất MEO (Medium Earth Orbit), được xác nhận bởi số hiệu thiết kế quốc tế 2012-108A và 2012-018B và số hiệu riêng của Trung Quốc M3 và M4 đều sử dụng các mã chuỗi nhiễu giả ngẫu nhiên (Pseudorandom Noise Codes) 11 và 12. Cả hai vệ tinh M3 và M4 nằm trên cùng một mặt phẳng quỹ đạo và khác với quỹ đạo của vệ tinh Bắc Đẩu - 2 MEO M1 đã được phóng lên trước đây.

Quá trình theo dõi M3 và M4 bởi NORAD/JSpOC bị gián đoạn khi các vệ tinh khởi động tầng đốt động cơ xoay điều chỉnh quỹ đạo. Hai ngày cuối cùng mà các vệ tinh phát truyền số liệu là 30/04 và 01/05, sau thời gian gián đoạn tín hiệu theo dõi đã được phục hồi bởi NORAD/JSpOC vào các ngày 09 và 10/05. Dưới đây là hai dòng thông số tập hợp gần nhất của ba vệ tinh MEO:

BEIDOU M1

1 31115U 07011A   12134.10254588 -.00000105  00000-0  10000-3 0  5834

2 31115 056.7122 028.7463 0003954 199.1314 301.1397 01.86191632 34665

BEIDOU M3

1 38250U 12018A   12132.52529875 +.00000052 +00000-0 +10000-3 0 00275

2 38250 055.1626 116.9959 0024183 186.6025 335.0953 01.86239286000385

BEIDOU M4

1 38251U 12018B   12133.86489950  .00000061  00000-0  10000-3 0   262

2 38251 055.0887 116.4855 0024672 179.1060 208.4713 01.86163690   419


 (Nguồn: GPSWorld)

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn

Xin chân thành cảm ơn!