Thử nghiệm các dịch vụ hàng hải của hệ thống định vị vệ tinh Châu âu - GALILEO trên hải trình tàu Viking

Image Content

Theo bản tin Galileo

Các kết quả thu được từ chuyến hành hải đầu tiên sử dụng các dịch vụ hàng hải đặc biệt của hệ thống vệ tinh Châu Âu - Galileo đang được xử lý sau. Đây là chuyến hành hải dài, trên vĩ độ cao nằm trong vùng Biển Bắc, theo hải trình đi biển lịch sử đã được các tàu Viking sử dụng 1200 năm trước.

 

Tàu khu trục Leopold I-F930 của Bỉ trên chuyến hải hành ngoài vùng biển Na Uy trong quá trình thử nghiệm dịch vụ hàng hải Galileo. Tháng 12/2013, tàu khu trục này đã tham dự chuyến thử nghiệm đầu tiên liên quan tới dịch vụ hàng hải của hệ thống định vị dẫn đường vệ tinh Galileo ở ngoài vùng đất của Châu Âu. 

Trong những tài liệu đi biển chép tay được các hoa tiêu trên tàu Viking ghi lại, họ tin tưởng vào “các viên đá mặt trời” giúp tìm đường đi trên biển – Các nhà khảo cổ học lại tin tưởng vào khả năng phân cực ánh sáng của kim cương, hỗ trợ họ xác định mặt trời ngay cả khi bị mây mù che phủ. Khác với lịch sử nghìn năm trước, cuối năm 2013 tàu khu trục của Bỉ Leopold I-F930 mang theo hệ thống thiết bị định vị dẫn đường thế hệ mới nhất là các máy thu Galileo lắp đặt trên bong, đảm bảo thu tín hiệu đồng thời từ cả hai dịch vụ: Dịch vụ mở (Open Service) và Dịch vụ bảo mật PRS (Public Regulated Service) để thực hiện chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên.

Galileo đang trong quá trình chuyển đổi từ giai đoạn hiệu chỉnh trên quỹ đạo IOV (In-Orbit Validation) sang giai đoạn hoạt động toàn phần FOC (Full Operational Capability)”, Ông Miguel Manteiga Bautista, Giám đốc Văn phòng An ninh GNSS của ESA nói. “Điều này có nghĩa rằng, chúng tôi bắt đầu hiện diện và triển khai thử nghiệm để chứng minh tất cả các dịch vụ của hệ thống Galileo, đặc biệt là dịch vụ PRS, vì dịch vụ này có khả năng cung cấp số liệu thời gian và thông tin định vị với độ chính xác rất cao, nhưng dịch vụ này hạn chế khai thác và chỉ cấp theo quyền truy cập riêng”.

Hai máy thu, lắp đặt hai bên ăng ten chính được tàu khu trục Bỉ Leopold I-F930 mang theo trong quá trình thử nghiệm các dịch vụ Galieo trên vĩ độ cao. Bao gồm cả dịch vụ mở OS và dịch vụ đóng PRS tháng 12/2013 

Tàu khu trục Leopold I-F930 khởi hành từ căn cứ hàng hải Den Helder, Hà Lan ngày 04/12/2013 cảng đến của hải trình là cảng Stavanger, Na Uy. Đây được coi là tuyến đường biển khó khăn với các con sóng có độ cao tới 10 mét, trên hải trình này tàu Leopold I-F930 cũng tiệm cận với vòng Cực Bắc vào ngày 17/12/2013 – Đây cũng là chuyến hành hải đầu tiên triển khai sử dụng dịch vụ định vị dẫn đường Galileo PRS trước khi tàu khu trục hướng tới cảng nhà. Thử nghiệm này cung cấp những minh chứng rõ ràng liên quan tới độ ổn định của tín hiệu Galileo, xuyên suốt hải trình của tàu Leopold I-F930 trên các tần số phát cũng như trên vĩ độ cao, tương ứng với ngưỡng quan sát vệ tinh thấp nhất trong khu vực hoạt động cục bộ của tàu.

Nối tiếp kết quả thử nghiệm trên đường bộ, đường không đã thực hiện trong mùa hè và mùa thu năm 2013, thử thách cuối cùng trong giai đoạn IOV của Galileo chính là kiểm tra khả năng hoạt động của dịch vụ đặc biệt trên biển trong thời gian dài ở vĩ độ cao. Việc triển khai thử nghiệm này là một trong số các hợp phần của Chương trình kiểm tra IOV liên quan tới dịch vụ PRS được quản lý và giám sát bởi ESA và Uỷ ban Châu Âu, phối hợp với Văn phòng Cơ quan GNSS Châu Âu và một số thành viên đặc biệt đã được lựa chọn để kiểm tra, thử nghiệm công nghệ thu nhận xử lý tín hiệu dịch vụ PRS.

Tàu khu trục Leopold I-F930 của Bỉ đang neo đậu tại cảng Den Helder, Hà Lan. 

Thử nghiệm lần này được thực hiện bởi Học viện Quân sự Hoàng gia (Royal Military Academy) trực thuộc Bộ Quốc phòng Bỉ, Cơ quan Vũ trụ Liên hiệp Anh, Công ty Khoa học Công nghệ Nottingham và ESA, để đảm bảo chắc chắn rằng các tín hiệu của dịch vụ PRS luôn khả dụng ở bất kỳ vị trí nào, khi 4 vệ tinh Galileo trên quỹ đạo nằm trong vùng quan sát của máy thu.

Quá trình lắp đặt thiết bị kiểm tra song song được thực hiện tại cảng Den Helder, Hà Lan. Trên tàu khu trục Leopold I-F930, các chuyên gia Bỉ đã kết nối máy thu PRS với máy thu OS, cả hai máy thu này đều được chế tạo tại Bỉ bởi Công ty Septentrio NV và sử dụng chung một ăng ten thu tín hiệu. Máy thu PRS sẽ ghi nhận các phép đo PRS thô trên cả hai tần số, trong khi máy thu OS ghi nhận số liệu từ dịch vụ mở miễn phí của Galileo, các tín hiệu của GPS và GLONASS, với dãn cách ghi là 1 giây/1 số liệu. Công ty Khoa học Công nghệ Nottingham chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống thiết bị riêng, được xác lập cấu hình để ghi nhận các tần số vô tuyến mẫu, cho phép xử lý sau một cách chi tiết các tín hiệu OS và PRS của Galileo.

Như chúng ta đã biết, đây là lần đầu tiên thiết bị PRS được lắp đặt và sử dụng ở ngoài biên giới Châu Âu, an ninh là thách thức khá lớn đối với chúng tôi”, Ông Bruno Vermeire, người đứng đầu đơn vị Uỷ quyền An ninh PRS Bỉ cho biết (Đơn vị này trực thuộc Cơ quan Dịch vụ Công Liên bang, Bộ Ngoại Giao Bỉ). “Có một số đối tác đến từ các quốc gia và lĩnh vực khác nhau liên quan đến thử nghiệm này, theo đó chúng tôi phải đảm bảo vấn đề an ninh tại mọi thời điểm trong quá trình thử nghiệm. Chúng tôi sẽ không triển khai nhiệm vụ quan trọng này nếu không có những cam kết tham dự và đảm bảo an ninh từ tất cả các đối tác được lựa chọn”.

Ông David Parker, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên hiệp Anh bổ sung thêm “Thử nghiệm này là cột mốc rất quan trọng trong tiến trình giới thiệu, công bố khả năng của dịch vụ PRS trên các nền tảng khác nhau. PRS có thể phục vụ dưới dạng mô hình hợp tác Quốc tế rộng rãi ở cấp Chính phủ giữa các Quốc gia và những lĩnh vực ứng dụng tiềm năng của nền kinh tế, nhằm hiện thực hoá khả năng hiện diện của PRS trong tương lai gần”.

Alian Muls, Giáo sư của Học viện Quân sự Hoàng gia Bỉ, người trực tiếp đối mặt với những thách thức trong công tác tổ chức, phối kết hợp các bên trong quá trình thử nghiệm thiết bị, đặc biệt là việc đảm bảo quá trình thử nghiệm không ảnh hưởng tới các hoạt động quân sự thông thường trên tàu khu trục Leopold I-F930. Ông nói “Chúng tôi cảm ơn sự phối hợp giữa các hợp phần hàng hải trực thuộc Bộ Quốc phòng Bỉ, mà cụ thể ở đây là sỹ quan và thuỷ thủ đoàn trên tàu khu trục Leopold I-F930 đã hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi để quá trình thử nghiệm đạt được những kết quả ấn tượng. Giúp chúng tôi thu nhận tín hiệu dịch vụ OS và PRS của Galileo, sử dụng các tín hiệu này phục vụ cho việc dẫn đường hàng hải trong điều kiện thực tiễn hết sức khó khăn, đặc biệt khi tàu vượt qua các con sóng với độ cao trên 10 mét”.

Toàn bộ các điểm nằm trên hải trình mà tàu khu trục Leopold I-F930 của Bỉ đã đi qua và ghi nhận lại trong chuyến thử nghiệm đầu tiên trên vùng biển có điều kiện khí tượng phức tạp nằm ở vĩ độ cao sử dụng các tín hiệu định vĩ của hệ thống vệ tinh Châu Âu – Galileo. Tàu khu trục xuất phát từ căn cứ hải quân của Hà Lan đóng tại Den Helder ngày 04/12/2013 với cảng đến là Stavanger, Na Uy. Hải trình này đi qua các khu vực có độ cao sóng biển lên tới 10 mét, tàu cũng tiệm cận vòng Cực Bắc vào ngày 17/12/2013. Đây là chuyến hành hải đầu tiên sử dụng dịch vụ đóng PRS của Galileo.

Hoạt động thử nghiệm này thể hiện rõ ràng những nỗ lực và sự hợp tác hiệu quả giữa các bên ở tất cả các cấp độ. Chính phủ Liên hiệp Anh và Chính phủ Bỉ là hai Quốc gia liên quan trực tiếp tới quá trình thử nghiệm. Ngoài ra còn có các đối tác thuộc những lĩnh vực khác nhau, sự giúp đỡ từ các Cơ quan, Tổ chức của Châu Âu cùng với sự hỗ trợ chính thức đến từ Hà Lan và Na Uy”, Ông Mark Dumville, Tổng Giám đốc Công ty Khoa học Công nghệ Nottingham nói “Các thành viên trong nhóm làm việc đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình để quá trình thu nhận lấy mẫu, xử lý, trích xuất tín hiệu PRS Galileo trong môi trường ứng dụng thực tiễn. Tới thời điểm này, chúng tôi khẳng định rằng mẫu máy thu tín hiệu thiết kế cho thử nghiệm đã sẵn sàng hỗ trợ các Quốc gia thuộc khối Châu Âu phục vụ những ứng dụng khai thác PRS tương lai”.

Toàn bộ kế hoạch hợp tác thử nghiệm đã được Châu Âu chính thức ghi nhận khi tàu khu trục Leopold I-F930 cập cảng Stavenger. Các quan chức Bỉ và Na Uy có mặt tại cảng cũng đã được xem lại chi tiết toàn bộ các kết quả của quá trình thử nghiệm. Những kết quả thử nghiệm tích cực này sẽ được sử dụng làm định hướng phát triển của hệ thống Galileo trong những năm tiếp theo.

Vui lòng chia sẻ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn