Thông tin cập nhật về các hệ thống dẫn đường vệ tinh từ Hội nghị ION GNSS 2011

Image Content

Trong thời gian diễn ra cuộc họp của Uỷ ban Dịch vụ Giao tiếp GPS Dân sự CGSI (Civil GPS Service Interface Committee) được tổ chức kết hợp với hội nghị Quốc tế ION GNSS Tháng 9-2011, một số bài đã được trình bày nhằm giới thiệu và đánh giá hiện trạng cũng như tương lai của các hệ thống dẫn đường vệ tinh. Chúng tôi xin trích giới thiệu với Quý Độc giả Việt Nam những thông tin hữu ích này:

HỆ THỐNG GPS HOA KỲ:

Tới thời điểm hiện tại, đã có 30 vệ tinh đang hoạt động và được xác lập cung cấp dịch vụ (Set Healthy)

Vệ tinh SVN27/PRN27, Block IIA phóng năm 1992, đã được huỷ bỏ vào ngày 10/08/2011. Vệ tinh này đã được gỡ bỏ khỏi danh mục lịch vệ tinh nhưng vẫn tiếp tục phát đi tín hiệu trên dải L-band, theo đánh giá đây có thể là bước kiểm tra cuối cùng trước khi kết thúc vòng đời hoạt động của vệ tinh này.

Vệ tinh SVN35 tiếp tục quay lại phục vụ một lần nữa, lần này dưới tên gọi PRN30 được đặt ngày 16/08/2011 để thay thế cho vệ tinh SVN30/PRN30 đã được huỷ bỏ khỏi danh mục lịch vệ tinh từ ngày 20/07/2011. SVN35 đã được dịch chuyển sang Slot B1-F, nơi trước đây là vị trí của vệ tinh SVN30.

Hiện tại hệ thống GPS đang có tới bốn vệ tinh dự phòng bao gồm: SVN30, SVN32, SVN37 và SVN49. Trong đó SVN30 (SVN35 chuyển đổi) đã có kế hoạch không tiếp tục sử dụng và sẽ loại bỏ trong thời gian tới.

SVN24/PRN24, vệ tinh Block IIA được phóng năm 1991 là vệ tinh có tuổi thọ cao thứ hai trong các vệ tinh GPS hiện đang hoạt động, cũng đang có báo cáo sự cố trong quá trình vận hành vào 30/09/2011. Hiện tại vệ tinh này đã ngừng phát tín hiệu trên dải L-band.

HỆ THỐNG GLONASS LIÊN BANG NGA:

Hiện tại, 23 vệ tinh GLONASS đang hoạt động trên dải tần tín hiệu L-band; trong đó 22 vệ tinh được xác lập cung cấp dịch vụ (Set Healthy). Vệ tinh GLONASS-K1 đầu tiên hiện vẫn đang trong quá trình kiểm tra bay và chưa cung cấp dịch vụ (Set Unhealthy). Theo lời ông Sergey Revnivykh, Phó Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu và Chế tạo Máy thuộc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga, vệ tinh này dường như sẽ chưa được xác lập cung cấp dịch vụ tới người sử dụng trong thời gian gần, không chỉ bởi lý do tín hiệu FDMA cũ. Vệ tinh này có thể sẽ được cân nhắc  sử dụng làm vệ tinh dự phòng và chuyển đổi sang phục vụ ngay khi cần thiết. Quyết định này được đưa ra dựa trên hiện trạng 5 vệ tinh GLONAS-M đã có kế hoạch phóng trong năm nay – thực tế, một vệ tinh đã được phóng vào ngày 2/10/2011 – và số lượng này cũng sẽ đảm bảo duy trì liên tục trùm 24 vệ tinh GLONASS được xác lập cung cấp dịch vụ. Theo các thông số kỹ thuật tín hiệu GLONASS hiện tại, hệ thống không thể xử lý nhiều hơn 24 vệ tinh cùng hoạt động.

Tín hiệu CDMA sẽ được phát đến người sử dụng từ các vệ tinh GLONASS-K trên quỹ đạo vào năm 2014.

HỆ THỐNG QZSS NHẬT BẢN:

Báo giới Nhật Bản loan tin rằng các quan chức thành viên chính phủ và Thủ tướng Yoshihiko Noda đã đưa ra quyết định về việc mở rộng hệ thống vệ tinh Quasi-Zenith Satellite System (QZSS) lên 7 vệ tinh và tiêu tốn 4.1 tỷ Yên (tương đương 53 triệu USD) trong năm tài chính 2012, cơ quan ngân khố quốc gia cũng đã bắt đầu giải quyết nguồn vốn phục vụ dự án. Theo lời ông Hiroshi Nishiguchi thuộc Uỷ ban GPS Nhật Bản, QZSS là dự án được đặt hàng ưu tiên cao nhất trong quá trình bố trí nguồn vốn.

Cấu trúc tương lai của trùm vệ tinh DZSS vẫn đang trong giai đoạn thiết kế, Ông Nishiguchi cũng cho biết thêm, trùm vệ tinh có thể là sự kết hợp của vệ tinh IGSO (Inclined GeoSynchronous Orbit) và vệ tinh địa tĩnh GEO (Geostationary Earth Orbit). Đối với trùm 7 vệ tinh, cấu trúc tuỳ chọn có thể là 3 vệ tinh IGSO + 4 vệ tinh GEO, hoặc 5 vệ tinh IGSO + 2 vệ tinh GEO. Ông cũng hy vọng rằng toàn bộ nguồn vốn và cấu trúc tương lai của hệ thống QZSS sẽ được công bố công khai vào cuối năm nay.

HỆ THỐNG BeiDou-2/COMPASS TRUNG QUỐC:

Trong một hội thảo đặc biệt về hệ thống,  Compass đã công bố rằng hiện đang có 9 vệ tinh Compass “đang cung cấp dịch vụ” (In Service). Tuy nhiên thông tin này có thể không chính xác. Trong khi có 9 vệ tinh BeiDou-2 hay Compass đã được phóng lên quỹ đạo, BeiDou G2, vệ tinh GEO đầu tiên đã phóng, có vẻ như đang nằm ngoài tầm kiểm soát và đang không ổn định trên quỹ đạo. Trong một số báo cáo, với sự lạc quan thái quá đã công bố rằng vệ tinh này đang trong giai đoạn “Duy trì trên quỹ đạo” (In-orbit maintenance).

Vệ tinh IGSO mới phóng gần đây nhất BeiDou IGSO4, có lẽ vẫn chưa cung cấp dịch vụ. Một trong số các diễn giả tại hội thảo đã chỉ ra rằng hiện tại trùm vệ tinh đang sử dụng bao gồm 3 vệ tinh GEO và 3 vệ tinh IGS. Có vẻ như đây là các vệ tinh quỹ đạo trung bình MEO (Medium Earth Orbit) BeiDou M1, thực tế vệ tinh này không mang nhiều lợi ích cho các ứng dụng thực tiễn tại thời điểm này. Diễn giả cũng chỉ ra rằng vệ tinh này đang trong giai đoạn “Duy trì trên quỹ đạo”.

Hai vệ tinh BeiDou-2/Compass sẽ được phóng trong năm 2011 và 5 vệ tinh tiếp theo sẽ được phóng vào năm 2012 để tăng số vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo lên con số 14 vào cuối năm 2012, trong đó có: 5 vệ tinh GEO, 5 vệ tinh IGSO, và 4 vệ tinh MEO. Đây là số vệ tinh tối thiểu cần có để đảm bảo cung cấp dịch vụ trên toàn bộ khu vực lãnh thổ trong Giai đoạn II của dự án. Trùm 30 vệ tinh theo kế hoạch phát triển phủ trùm tín hiệu dẫn đường trên toàn thế giới, và kế hoạch này sẽ được hoàn tất vào năm 2020, khi đó BeiDou/Compass sẽ được hợp thành bởi 3 vệ tinh GEO, 3 vệ tinh IGSO và 24 vệ tinh MEO. BeiDou-2/Compass cũng sẽ cung cấp dịch vụ hiệu chỉnh với độ chính xác tức thời đạt mức 1 mét.

Toàn bộ tài liệu ICD (Interface Control Document) liên quan đến BeiDou-2/Compass theo kế hoạch sẽ được công bố trong tháng 09/2011. Tuy nhiên cho tới thời điểm bản tin này tới tay Quý Độc giả thì ICD vẫn chưa được các Cơ quan liên quan của Trung Quốc công bố chính thức.

Nguồn: ION GNSS 2011

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn

Xin chân thành cảm ơn!