Số 04/2017: Chính sách và định hướng phát triển của các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh - GPS I GALILEO I GLONASS I BEIDOU - 1 - GALILEO thực hiện phóng bốn vệ tinh cùng lúc

Image Content

GPS World, ANTHI dịch và biên soạn  

Đã thành thông lệ cứ vào Quý 1 của mỗi năm, Nhóm biên soạn Bản tin Công nghệ của Công ty TNHH ANTHI Việt Nam lại lựa chọn và trích đăng loạt bài đặc biệt liên quan trực tiếp đến bốn hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh lớn nhất trên thế giới gồm GPS, Galileo, GLONASS và BeiDou. Bắt đầu từ Bản tin Công nghệ Số 4 năm 2017, chúng tôi sẽ lần lượt điểm qua những chính sách cũng như định hướng phát triển cơ bản của bốn hệ thống định vị GNSS nêu trên. Kính mời Quý Độc giả quan tâm đón đọc.

Ngày 17/11/2016, tên lửa đẩy hạng nặng Ariane 5 đã lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ vận chuyển cùng lúc bốn vệ tinh hoàn chỉnh chức năng Galileo FOC (Full Operational Capability) lên quỹ đạo, đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh của Cộng đồng Châu Âu.

Các vệ tinh Galileo 15, 16, 17 và 18 được triển khai thành từng cặp trên quỹ đạo không gian.

Tên lửa đẩy hạng nặng Ariane 5 mang theo các vệ tinh Galileo số hiệu 15, 16, 17 và 18 vào không gian từ Trung tâm Vũ trụ Châu Âu đặt tại Kourou, French Guiana. Cặp vệ tinh định vị đầu tiên được tách từ tàu vận chuyển sau 3 giờ 25 phút bay và cặp vệ tinh thứ hai được tách 20 phút sau đó. Cả bốn vệ tinh đều đã ổn định ở độ cao thiết kế sau khi tách nhẹ nhàng từ tàu vận chuyển có thiết kế mới phù hợp cho việc mang bốn vệ tinh Galileo cùng lúc.

Trong những ngày kế tiếp, các kỹ thuật viên của chương trình Galileo sẽ điều chỉnh để đưa các vệ tinh vào đúng quỹ đạo làm việc và bắt đầu quá trình thử nghiệm để đảm bảo chắc chắn rằng, cả bốn vệ tinh đều sẵn sàng tham gia vào chùm vệ tinh Galileo. Các chuyên gia hy vọng rằng quá trình này sẽ được hoàn tất trong thời gian sáu tháng. Bốn vệ tinh mới trên quỹ đạo đã nâng tổng số vệ tinh Galileo lên con số 18 tính tới thời điểm cuối năm 2016.

Với việc các vệ tinh mới hiện hữu trên quỹ đạo đã cho phép Ủy ban Châu Âu sớm công bố bắt đầu triển khai cung cấp các dịch vụ ở giai đoạn đầu ngay trong những ngày đầu năm 2017. 14 vệ tinh Galileo trước đây đã được đưa lên quỹ đạo thành từng cặp đôi cho mỗi lần phóng, sử dụng tên lửa đẩy Soyuz và đây là lần đầu tiên chương trình Galileo thực hiện việc phóng cùng lúc bốn vệ tinh bằng tên lửa đẩy Ariane 5.

CÁC VỆ TINH GALILEO FOC-M6 - Cả bốn vệ tinh Galileo từ 15 đến 18 được xây dựng thông qua hợp đồng đặc biệt với OHB System có trụ sở tại Bremen, Đức. Các hợp phần tải của hệ thống được cung cấp bởi Surrey Satellite Technology có trụ sở tại Anh và cũng là công ty thuộc quyền sở hữu của Airbus Defence & Space.

Các vệ tinh có trọng lượng phóng lần lượt là 15/714 kg, 16/715 kg, 16/714 kg và 18/715 kg đặt trên Plane C, quỹ đạo trung bình trái đất MEO ở độ cao 22.922 km với góc nghiêng 54.57 độ. Tất cả sẽ được dịch chuyển vào quỹ đạo công tác cuối cùng ở độ cao 23.222 km.

“Tới thời điểm này chúng ta có thể tin tưởng vào sức mạnh của tên lửa đẩy Ariane 5, Ariane sẽ giúp chúng ta nhanh chóng hoàn tất việc triển khai hệ thống Galileo và bảo đảm hệ thống hoàn chỉnh đi vào hoạt động đúng với kế hoạch đã định”, Paul Verhoef, Giám đốc Chương trình Galileo của ESA phát biểu.

Với hai lần phóng sử dụng tên lửa đẩy hạng nặng Ariane 5 được lên kế hoạch vào năm 2017 và 2018. Toàn bộ hệ thống Galileo gồm 24 vệ tinh cùng với các vệ tinh dự phòng sẽ nằm trong không gian vào cuối năm 2020.

“Đây là lần phóng thành công thứ 75 của tên lửa đẩy Ariane 5,  đồng thời Ariane 5 cũng xác lập kỷ lục mới trong lịch sử phóng tàu không gian của Châu Âu và minh chứng một cách rõ ràng hơn độ tin cậy của Ariane”, Daniel Neuenschwander, Giám đốc hợp phần phóng vệ tinh của ESA nói.

Nhóm kỹ thuật điều khiển phóng, Trung tâm Vũ trụ Châu Âu đặt tại Kourou, French Guiana

Kính mời Quý Độc giả quan tâm đón đọc Bản tin Công nghệ Số 5 năm 2017 với chủ đề liên quan tới hệ thống chủ đạo trong lĩnh vực định vị toàn cầu bằng vệ tinh “GPS hệ thống dẫn dắt trong tương lai”.