Phương pháp tiếp cận mới làm tăng hiệu quả thu thập số liệu GIS trên thực địa (Phần cuối)

Image Content

Đối với số liệu độ cao, dự án đã lựa chọn sử dụng phương pháp đo cao truyền thống bằng máy thuỷ chuẩn điện tử, đảm bảo độ chính xác đo cao đến mm. Đối với tất cả các đối tượng cần đo cao, kỹ thuật viên hiện trường sẽ đánh dấu và xác định độ cao trên đỉnh, khi hoàn tất kỹ thuật viên sẽ đo xuống dưới các điểm đã đánh dấu để ghi nhận độ cao nghịch đảo trong trường hợp cần thiết.

Thông thường, quy trình thu thập số liệu được thực hiện với các máy thu GPS và các thiết bị ghi nhận số liệu. Trên thực địa, kỹ thuật viên sẽ nhập các mã mô tả cho đối tượng vào thiết bị ghi nhận số liệu khi bắt đầu xác định vị trí mặt phẳng của đối tượng. Sau đó sẽ nhập những ghi chú liên quan đến thông tin thuộc tính về đối tượng đó vào máy tính (tương ứng với mã của đối tượng đã đo). Khi nhiệm vụ trên thực địa hoàn tất, kỹ thuật viên hiện trường sẽ quay trở lại văn phòng, trút toàn bộ số liệu đã thu được vào máy tính. Bộ phận xử lý số liệu sẽ tiếp tục chuyển toàn bộ các điểm đã đo vào hệ thống GIS đồng thời nhập số liệu thuộc tính vào hệ thống từ các máy tính thực địa. Quá trình xử lý này thường gây ra lỗi nhầm lẫn đối tượng và tiêu tốn khá nhiều thời gian.

Vậy nên, đối với phần mềm ứng dụng, Phòng GIS của Thành phố Wellington đã quyết định sử dụng phần mềm thu thập số liệu thực địa ArcPad của ESRI, ArcPad sử dụng cho dự án là phiên bản đã được tuỳ biến với các bảng lựa chọn chứa toàn bộ các kiểu đối tượng, các thông tin thuộc tính mà người điều khiển sẽ cần đến khi làm việc trên thực địa. ArcPad cũng sẽ lưu trữ số liệu thu được cùng chung định dạng với các bản đồ GIS cuối cùng. Một khi đã xác định được vị trí của đối tượng cần đo trên thực địa và ghi nhận được những thông tin thuộc tính liên quan, số liệu thu đã được lập thành bản đồ, như vậy sẽ loại bỏ được quá trình chuyển đổi tiếp theo trong phòng, tiết kiệm thời gian và loại bỏ những lỗi phát sinh trong quá trình xử lý chuyển đổi.

Để thuận tiện hơn cho việc điều khiển và quan sát số liệu thu đo trên thực địa, ứng dụng ArcPad đã được cài đặt sẵn trên các máy tính điều khiển cầm tay siêu bền dạng bảng với màn hình cảm ứng – Panasonic Toughbook CF-H1 Field đồng thời máy tính Toughbook CF-H1 Field cũng được đồng bộ với máy thu GPS thông qua giao thức kết nối không dây Bluetooth.

Phương tiện di chuyển được lựa chọn sử dụng là xe golf chạy xăng. Mỗi xe được bố trí hai kỹ thuật viên, một người lái xe xác định hình dáng đường bao của đối tượng vào máy tính CF-H1 Field, trong khi người thứ hai có thể đi bộ để xác định các đối tượng cụ thể trong khu vực đó.

Sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm, dự án sẽ chuyển sang giai đoạn hai với quy mô triển khai lớn hơn, lượng thông tin cần thu thập cũng nhiều hơn. Dự án cũng đã tìm ra giải pháp phù hợp nhằm giảm tối đa thời gian xử lý chuyển đổi số liệu trong phòng, loại bỏ những sai số có thể phát sinh trong quá trình chuyển đổi bằng cách tuỳ biến trước phần mềm ứng dụng. Nhiệm vụ tiếp theo của dự án là tìm giải pháp phù hợp hỗ trợ cho quá trình thu thập số liệu trên thực địa, đặc biệt là phương tiện di chuyển phục vụ cho kỹ thuật viên hiện trường, cần phải tìm được phương tiện giúp di chuyển linh hoạt trên hiện trường, thuận tiện cho lắp đặt và điều khiển thiết bị, đảm bảo an toàn và quan trọng nhất là đẩy nhanh được tốc độ thu thập số liệu thực địa.

Giải pháp độc đáo hỗ trợ thu thập số liệu thực địa của thành phố Wellington

Trong quá trình triển khai dự án thử nghiệm, Ban Quản lý Dự án cũng đã thử nghiệm nhiều lựa chọn khác nhau để tìm ra phương tiện hỗ trợ tốt nhất việc di chuyển trên thực địa cho kỹ thuật viên, với mục tiêu “ Làm thế nào để tăng tốc độ xác định vị trí của đối tượng đồng thời loại bỏ hoàn toàn việc phải sử dụng hai người cho một nhóm làm việc? ”. Giải pháp cuối cùng đã được Ban Quản lý Dự án thành phố Wellington quyết định sử dụng đó chính là các xe điện Segway. Sau khi xem xét trên các khía cạnh liên quan như giá thành, chi phí bảo dưỡng, chi phí vận chuyển, năng lực khai thác… Ban Quản lý dự án đã chỉ ra rằng Segway là giải pháp tốt nhất xét trên mọi phương diện. Với xe điện Segway, Dự án sẽ được hưởng những điểm thuận lợi sau:

* Loại bỏ việc phải sử dụng đến hai người cho mỗi nhóm;

* Tốc độ nhanh hơn đi bộ rất nhiều;

* Vận hành bằng điện thay vì bằng xăng;

* Có thể di chuyển liên tục 50 Km mới cần nạp điện lại;

* Có thể mang được kỹ thuật viên và toàn bộ thiết bị cần thiết;

* Có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết;

* Cho phép bổ sung thêm các hợp phần khác để vận chuyển thiết bị;

* Có thể sử dụng cho các dự án khác khi không cần sử dụng cho thu thập số liệu.

Dưới đây là bảng so sánh giữa hai phương án sử dụng thiết bị di chuyển trong quá trình thu thập số liệu thực địa mà thành phố Wellington đã triển khai, cũng cần lưu ý rằng thời gian làm việc của mỗi ngày được tính là tám giờ.

 

Hai người một xe Golf

Một người một xe Segway

Tổng diện tích đã đo

0,9 Km2

0,7 Km2

Tổng chiều dài đường nhựa đã đo

14,3 Km

13,1 Km

Tổng chiều dài vỉa hè đã đo

1,7 Km

2,7 Km

Tổng chiều dài đường đi bộ đã đo

17,3 Km

21,3 Km

Tổng số đối tượng đã xác định vị trí

2.356 Đối tượng

2.645 Đối tượng

Tổng thời gian làm việc mỗi ngày

14 giờ

8 giờ

Kết luận

Như đã lưu ý trong phần trước, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng và liên quan đến quá trình thu thập số liệu, ngoài ra cũng như tất cả các dự án khác, vốn và chi phí luôn là hai yếu tố chính giúp người quản lý xác định rõ mục tiêu cần đạt được. Người sử dụng hoàn toàn có thể tiến hành những nghiên cứu và lập kế hoạch riêng dựa trên những mục tiêu đã xác định để đạt được hiệu quả đầu tư cao nhất, tiết kiệm thời gian và các nguồn lực.

Mặc dù tất cả những công nghệ và kỹ thuật được mô tả trong các phần trên đã tồn tại trên thực tế một thời gian dài và không ngừng được cải thiện để phục vụ tốt hơn cho công việc, nhưng người sử dụng vẫn cần xem xét, cân nhắc và thử nghiệm những cải tiến mới phù hợp với công nghệ hiện đại để đảm bảo mang lại lợi ích tốt nhất cho chính tổ chức của mình. Không hẳn mô hình của thành phố Wellington đã là mô hình tốt nhất, nhưng đây là bài học và ví dụ điển hình để tham khảo.

Thông qua loạt bản tin vừa rồi, nhóm Kỹ thuật của Công ty TNHH ANTHI Việt Nam đã cung cấp cho Quý độc giả những lưu ý và giải pháp để cân nhắc trong quá trình tìm kiếm phương thức hiệu quả cho các dự án thu thập số liệu thực địa phục vụ quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu GIS quy mô lớn. Chúng tôi cũng rất mong nhận được những ý kiến phản hồi từ Quý độc giả nhằm tìm ra những kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, đây cũng là bước chuẩn bị sẵn sàng cho những dự án GIS quy mô lớn trong tương lai.

Nguồn: Nestor Navarro, GISP, MCSA

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn

Xin chân thành cảm ơn!