Panasonic Toughbook CF-31 - Lính thủy đánh bộ trong dòng máy tính siêu bền (Phần 3)

Image Content

Năng lực vận hành

Máy tính xách tay là sản phẩm thể hiện rõ ràng nhất mối quan hệ tổng hoà giữa các yếu tố: Năng lực vận hành, kích thước, trọng lượng, thời lượng pin cấp điện và giá thành. Nếu người sử dụng mong muốn có bộ xử lý mạnh tốc độ cao, điều đó cũng đồng nghĩa với việc  máy tính sẽ toả ra nhiều nhiệt hơn, và thời lượng của pin cấp điện cũng ngắn hơn. Để khắc phục, chúng ta có thể sử dụng loại pin dung lượng cao với kích thước lớn hơn, và đương nhiên kích thước máy tính xách tay sẽ to và nặng hơn. Ngược lại, nếu chúng ta muốn có một máy tính kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ, vận hành  êm ái không có quạt tản nhiệt, hiển nhiên chúng ta sẽ phải chấp nhận năng lực vận hành của hệ thống giảm đi. Vì thế chúng ta luôn phải cân nhắc giữa nhanh hơn, nóng hơn và thời lượng pin ngắn hơn với chậm hơn, mát hơn và thời lượng pin lâu hơn. Liệu có sự lựa chọn nào mà người sử dụng không phải chấp nhận sự đánh đổi trong thiết kế máy tính xách tay như trên hay không?

Panasonic cũng phải đối diện với vấn đề này khi đưa bộ xử lý thế hệ mới nhất vào kích thước không đổi của chiếc Toughbook. Trong thế hệ trước, Toughbook thường sử dụng các bộ xử lý tiêu thụ điện năng thấp để bảo toàn thời lượng cấp điện của pin trong. Đối với thế hệ máy Toughbook CF-31, Panasonic đã chọn cách tiếp cận khác và sử dụng ba lựa chọn bộ xử lý hiệu năng cao: 2.26GHz Core i3-350M, 2.4GHz Core i5-520M, và 2.53GHz Core i5-540M. Tất cả ba bộ xử lý trên đều có thiết kế nguồn ở mức 35 watts, gấp đôi nguồn của bộ xử lý Core 2 Duo sử dụng trong đời máy Toughbook CF-30. Đây là các bộ xử lý mà Intel đặt tên “Điện thế tiêu chuẩn”, ngược lại với các phiên bản điện thế thấp và điện thế siêu thấp. Với bộ xử lý thế hệ mới mạnh hơn sử dụng trong Toughbook CF-31, Panasonic công bố rằng thời lượng cấp điện của pin trong lên tới hơn 10 giờ, lâu hơn cả Toughbook CF-30 được trang bị bộ xử lý cấp thấp hơn. Liệu điều này có cơ sở hay không?

Thực tế đúng như vậy, bởi cơ sở ở đây chính là các bộ xử lý Core thế hệ mới của Intel, vừa mang đến năng lực vận hành tối ưu, đồng thời duy trì được tính năng tiết kiệm dựa trên các kỹ thuật thiết kế cao cấp. Chính vì thế, Panasonic đã công bố rằng các máy CF-31 bộ xử lý Core i5 đồ hoạ Intel tích hợp có khả năng vận hành 11 giờ sau mỗi lần nạp điện, và 5 giờ đối với các máy Core i5 sử dụng đồ hoạ riêng ATI Radeon.

Để thấy rõ hơn năng lực vận hành mà Toughbook CF-31 Core i5-540M mang lại, trên cả hai lựa chọn đồ hoạ Intel tích hợp và đồ hoạ riêng ATI Radeon. Trong chu trình kiểm tra, các chuyên gia đã sử dụng gói benchmark chuẩn Passmark PerformanceTest 6.1, chạy kiểm tra khoảng 30 thử nghiệm trên cả CPU, đồ hoạ 2D, đồ hoạ 3D, bộ nhớ, và ổ đĩa sau đó tính điểm cho từng hạng mục và đưa ra tổng số điểm PassMark. Sau đó chạy tiếp gói benchmark thứ hai, CrystalMark để tái khẳng định và bổ sung thông tin. Để so sánh, trong quá trình kiểm định đã tiến hành kiểm tra benchmark cho cả hai mẫu máy mới nhất của đối thủ cạnh tranh sử dụng bộ xử lý Core 2 Duo, và máy tính bảng Motion J3500 sử dụng bộ xử lý điện năng siêu thấp Core i7.

Kết quả PassMark có điểm gây bất ngờ chính là các máy sử dụng bộ xử lý điện năng thấp và tiêu chuẩn Core 2 Duo 9400 không kém bộ xử lý thế hệ mới Core i5 của Toughbook CF-31. Với bộ xử lý điện năng siêu thấp Core i7 1.2GHz, chiếc máy tính bảng Motion đã bị bỏ lại rất xa phía sau. Sự khác biệt thể hiện rõ trong kết quả đánh giá benchmark CrystalMark, bộ xử lý i5 tiêu chuẩn trong máy Toughbook CF-31 thể hiện rõ sự vượt trội so với các đối thủ cùng kiểm tra.

Cũng cần phải lưu ý rằng trong cả hai phần đánh giá benchmark, tổng điểm của Toughbook rất ấn tượng, bỏ xa các đối thủ khác ở hai tính năng đồ hoạ 3D và OGL. Ở chế độ mặc định chỉ với máy sử dụng bộ xử lý i5 đồ hoạ tích hợp, kết quả 3D và OGL đã khá tốt, nhưng đối với các ứng dụng thiên nhiều về đồ hoạ 3D và mã OGL, điểm số của đồ hoạ riêng ATI Radeon đặc biệt ấn tượng. Kể cả các ứng dụng OpenGL tham chiếu ngôn ngữ và nền tảng lai API đồ hoạ 2D và 3D, sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng CAD, mô phỏng và hiển thị, ATI Radeon của CF-31 cũng thể hiện sự vượt trội. Dựa trên kết quả kiểm tra benchmark, rõ ràng rằng với khả năng xử lý ATI Radeon, CF-31 không chỉ tăng cường chuẩn đồ hoạ mà còn tạo ra hiệu suất hoạt động tốt cho cả OGL. Nói  cách khác, Toughbook  CF-31 có năng lực vận hành rất ấn tượng, vượt ra ngoài hình hài của một chiếc máy tính siêu bền đơn thuần.

Khả năng hiển thị

Xét về khía cạnh hiển thị, với tỷ lệ 4:3 theo kiểu cũ màn hình của Toughbook có thể gây ra chút ít khó chịu trong kỷ nguyên mà tất cả máy tính xách tay đều chuyển sang màn hình rộng tỷ lệ 16:10 hoặc thậm chí 16:9. Theo Panasonic, việc bảo toàn tính tương thích của hợp phần phần cứng đế hỗ trợ (Docking) rất quan trọng, kèm theo đó việc duy trì độ phân giải XGA 1024 x 768 cũng đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ không phải viết lại phần mềm ứng dụng. Thực tế có thể là như vậy, tuy nhiên nhiều khách hàng vẫn mong muốn được nhìn thấy một chiếc Toughbook có màn hình hiển thị độ phân giải cao hơn, đảm bảo cho Toughbook có thể chạy những ứng dụng hiện đại luôn đòi hỏi độ phân giải màn hình cao hơn.

Panasonic, hãng tiên phong trong tính năng đọc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời với công nghệ DayBrite ARX, và bây giờ công nghệ hiển thị tạo khả năng đọc trực tiếp ngoài trời được đặt tên mới “CircuLumin”, thuật ngữ hơi khó phát âm được sử dụng để mô tả sự kết hợp của các lớp phủ chống loá, chống phản xạ, và các vòng tròn phân cực, tạo ra khả năng đọc trực tiếp dưới ánh nắng. Kết hợp công nghệ mới này với đèn nền siêu mạnh, đã tạo ra màn hình của máy Toughbook CF-31 có thể đọc được rất tốt trong mọi điều kiện ánh sáng. Điều gì mới mẻ mà đèn nền công nghệ LED của CF-31 sẽ mang đến cho người sử dụng? Công nghệ này tăng cường thêm 10% độ sáng, khả năng hiển thị có thể đạt tới 1.100 nits (so với con số 200 nits của các máy tính thông thường). Một điểm lợi nữa của công nghệ đèn nền LED là khả năng giảm độ sáng xuống còn 2 nits, mà trước đó các màn hình với đèn nền CCFL chỉ có thể giảm xuống tối đa là 7 nits, con số này vẫn quá lớn khi người sử dụng không muốn thông tin bị người khác nhìn thấy.

Tất cả các mẫu máy CF-31, trong cấu hình tiêu chuẩn đều được trang bị màn hình cảm ứng. Người sử dụng sẽ không còn phải bỏ thêm tiền để mua dưới dạng tuỳ chọn như trong các thế hệ máy trước. Tuy nhiên vẫn là màn hình cảm ứng điện trở, nên không có khả năng di chuyển con trỏ giống với kiểu màn hình chủ động Wacom và chưa có tính năng đa chạm. Panasonic hiện đang triển khai nghiên cứu chức năng này, cho tới thời điểm hiện tại tính năng đa chạm mới chỉ được triển khai trên mẫu máy Toughbook CF-C1.

Một trong những điểm mới khác trong đồ hoạ và hiển thị của các bộ xử lý Intel Core 2010 là khả năng điều khiển đa màn hình hiển thị của chính bộ xử lý, có thể kết hợp bất kỳ cổng hiển thị (Display Port), HDMI, DVI và VGA, thậm chí còn hỗ trợ hiển thị HDMI song song đồng thời. Không phải tất cả những khả năng hiển thị này đều được triển khai áp dụng trong máy CF-31, tuy vậy việc tích hợp cổng hiển thị HDMI cũng là điểm thực sự tốt để phục vụ cho trình chiếu độ phân giải cao HD.

Như đã đề cập ở trên, các bộ xử lý thế hệ mới Core i3 và Core i5 sử dụng trong máy Toughbook CF-31 đều có đồ hoạ tích hợp, có khả năng cung cấp hiệu suất xử lý đồ hoạ nhanh gấp 1,5 lần so với nền tảng GM45 thế hệ trước, tương ứng trong bộ xử lý Core 2 Duo; tính năng đồ hoạ 3D tốt hơn hẳn, tăng tốc phần cứng HD, xử lý tín hiệu cổng, nâng cấp âm thanh và các hợp phần khác. Ngoài ra Panasonic còn mang đến cho người sử dụng nhiều hơn thế, đó chính là các mẫu máy trang bị bộ xử lý i5-540M, với tính năng đồ hoạ riêng thông qua bộ xử lý ATI Radeon HD5650.

Kiểm tra khả năng hiển thị ngay trên thực địa

Các bảng tính, các con số, các biểu đồ hay hình ảnh hiển thị trong văn phòng chỉ là một phần của  CF-31, khả năng quan sát và làm việc với các đối tượng trên ngay ngoài thực địa, trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời và dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau mới là chuyện đáng kể. Dưới đây là hình ảnh so sánh đặt cạnh nhau giữa màn hình 13.1 inch của CF-31 với một trong những máy tính văn phòng khá phổ biến hiệu Gateway. Thực tế đây không hẳn là một so sánh “công bằng” bởi Gateway chỉ là một máy tính xách tay thuần tuý, trong khi Toughbook CF-31 là máy tính được thiết kế đặc biệt phục vụ cho các ứng dụng trên thực địa. Tuy nhiên, khả năng hiển thị của Gateway cũng rất tốt, duy trì khả năng đọc ngoài trời và mẫu máy được lựa chọn cũng là mẫu máy với màn hình  hiển thị cao cấp đã xuất hiện trên thị trường. Vậy chúng ta thấy được gì thông qua việc so sánh này?

Bức ảnh thứ nhất thể hiện hai máy tính để ngoài trời trong điều kiện sáng, nhưng không trực tiếp dưới ánh nắng. Có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt của Toughbook với hệ số đèn nền 1.100 nits. Khi giảm độ sáng của đèn nền xuống thấp dần, màn hình của CF-31 hầu như vẫn rất sáng, sáng hơn rất nhiều so với màn hình của Gateway.

Bức ảnh thứ hai thể hiện màn hình của hai máy tính với hướng nhìn từ góc nghiêng, người sử dụng thấy rõ khả năng phản xạ có thể làm được gì cho việc hiển thị. Màn hình của Gateway thể hiện như một tấm kính, phản xạ toàn cảnh môi trường xung quanh lên trên màn hình và làm nhoà đi hình ảnh đang hiển thị. Màn hình của Toughbook CF-31 hoàn toàn không chịu ảnh hưởng. Hiệu ứng của lớp phủ chống chói loá và chống phản xạ của CF-31 hoạt động rất hiệu quả, đồng thời việc sử dụng các vòng tròn phân cực, làm cho hình ảnh hiển thị đầy đủ giúp duy trì khả năng đọc hoàn hảo hơn.

Bức ảnh thứ ba được chụp ở chiều ngược lại. Trong bức ảnh này, người sử dụng sẽ nhận rõ hiệu quả trong việc kết hợp giữa giải pháp đèn nền siêu khoẻ và khả năng xử lý quang học của màn hình Panasonic Toughbook CF-31.

Mặc dù tính năng hiển thị của Toughbook không mấy thay đổi trong nhiều năm liền, nhưng không thể phủ nhận sự vượt trội trong công nghệ chế tạo màn hình của Panasonic. Màn hình của CF-31 sử dụng đèn nền công nghệ LED với độ sáng cao hơn 10%, giúp khả năng đọc thông tin hiển thị dễ dàng hơn trong mọi điều kiện ánh sáng. Tuy nhiên quyết định duy trì tính tương thích của dòng Toughbook thế hệ mới nhất CF-31 với đế hỗ trợ thế hệ cũ (Docking) và phần mềm ứng dụng, cũng đồng nghĩa với việc    tỉ lệ hiển thị vẫn là 4:3 kích thước 13.1 inch độ phân giải XGA. Ở một khía cạnh nào đó, người sử dụng vẫn mong muốn Panasonic sẽ tiến thêm một bước mới trong việc tăng kích thước của màn hình và độ phân giải lên cao hơn, nhằm thoả mãn được những đòi hỏi của các phần mềm ứng dụng thế hệ mới.

Quý độc giả vui lòng theo Phần cuối  trong Bản tin Công nghệ - Số 29 - Ngày 17/10/2011

Xin chân thành cảm ơn!