MÔ HÌNH THÔNG TIN XÂY DỰNG - BIM (Building Information Modelling) - CHUẨN TƯƠNG LAI TRONG LĨNH VỰC KIẾN TRÚC VÀ XÂY DỰNG (Phần 3)

Image Content

Nhóm kỹ thuật Công ty TNHH ANTHI Việt Nam

Một trong những câu hỏi đặt ra tại thời điểm này đó chính là hệ thống phần mềm thông tin xây dựng công trình ảo hoạt động như thế nào trong cả quy trình vận hành của Doanh nghiệp? Dưới đây chúng tôi sẽ mô tả tổng quan toàn bộ quy trình vận hành điển hình của giải pháp BIM điển hình do Công ty SYNECTICS CONSULTING CORPORATION cung cấp.

Hình dưới đây mô tả khái quát quy trình triển khai một hệ thống phần mềm xây dựng ảo dựa trên giải pháp BIM của SYNECTICS – BIM SYNECTICS Virtual Construction.


Chu trình vận hành của giải pháp BIM 5D bắt đầu bằng việc tạo mới một dự án (Project) và kết thúc ở việc tạo ra các báo cáo (Reportings) và ngân hàng số liệu khai thác (Data Mining). Ngay khi khởi động các bước đầu tiên của một dự án mới, đơn vị vận hành sẽ bắt tay ngay vào việc bổ sung các bản vẽ 2D và các mô hình 3D vào phần Đăng ký Tài liệu (Document Registry) phục vụ cho việc kiểm soát các phiên bản thiết kế và quản trị những thay đổi trong quá trình triển khai. Các mô hình có thể được công bố trong gói giải pháp SYNECTICS BIM từ các hệ thống phần mềm khác như ArchiCAD, Tekla, Revit, AutoCAD Architecture, và/hoặc AutoCAD MAP. Hoặc lựa chọn khác là sử dụng các công cụ nhập đặc biệt dành riêng cho CAD, các tập tin IFC, các tập tin SketchUp, các tập tin CAD-Duct, và thậm chí là các tập tin DWG 3D.

Với bộ công cụ kiểm soát tài liệu chúng ta có thể nhanh chóng xác định được những thay đổi giữa một tập hợp các bản vẽ và phiên bản đã dựng mô hình. Sau quá trình hiệu chỉnh xác định những thay đổi, biến động bằng các chế độ trượt (Slider) và làm nổi bật (Highlight), có thể đánh dấu và bổ sung những ghi chú liên quan tới các vấn đề đã phát hiện ra, hoặc có thể thực hiện ngay bước thảo luận nhóm, thảo luận chéo hoặc tạo báo cáo phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của những thay đổi đã phát hiện ra.

Sau khi hoàn tất quá trình dựng các mô hình BIM, chúng ta sẽ chuyển qua giai đoạn công bố (Publish), bổ sung (Augment), và so sánh (Compare) các mô hình 3D từ tất cả các đơn vị nhà thầu thành viên tham gia dự án (Project Stakeholders). Ví dụ, các kiến trúc sư có thể đóng góp các mô hình thiết kế kiến trúc trong ArchiCAD; các kỹ sư kết cấu có thể đóng góp các mô hình kết cấu trong Tekla; các nhà thầu phụ hợp phần cơ khí có thể nộp các mô hình trong Revit MEP; các nhà thầu thông gió và điều hoà có thể nộp các mô hình trong CAD-Duct.

Tất cả các mô hình này có thể được kết hợp lại ngay trong môi trường BIM của SYNECTICS. Sau đó các kỹ sư vận hành sẽ xác định bất kỳ vấn đề nào liên quan hoặc có ảnh hưởng tới khả năng xây dựng thực tiễn bằng bộ công cụ quản lý khả năng xây dựng (Constructability) đồng thời tạo ra báo cáo về tất cả những vấn đề này và gửi tới nhóm thiết kế nhằm tìm ra giải pháp khắc phục thích hợp. Trong trường hợp không tìm được giải pháp để giải quyết triệt để những vấn đề này, nhóm thiết kế sẽ phải gửi báo cáo và tiếp tục theo dõi toàn bộ quy trình quản trị số liệu dự án. Trong giai đoạn kế tiếp, các mô hình đã kết hợp với nhau có thể được kiểm tra thêm một lần nữa với các tài liệu 2D của nhà thầu, đây là công cụ kiểm soát tài liệu dưới dạng kiểm tra tính xác thực lần cuối, trước khi chuyển sang tổng hợp các bản vẽ vật liệu và thi công lắp đặt.

Chuyển qua giai đoạn tiếp theo, các kỹ sư của dự án (Project Engineers) sẽ thực hiện nhiệm vụ xác định các điểm trọng yếu phục vụ cho tính toán vị trí kết nối, cao độ ván lót, các vị trí quan trọng lắp đặt dàn khung, thiết bị treo và giá hãm, phương thức chạy các đường ống tối ưu, biên ngoài của các tấm ghép … và dựng thành bản đồ phân bổ. Tới giai đoạn này có thể sẽ không cần sử dụng thông tin BIM nguyên gốc nữa mà chỉ cần sử dụng các phiên bản mô hình cuối cùng ngay trong BIM. Các điểm mô phỏng công trình sẽ được xuất ra dưới dạng tập tin *.CSV và tải trực tiếp vào các thiết bị đo đạc công trường thế hệ mới như máy toàn đạc điện tử (Total Station) và sẵn sàng cho bước triển khai trên thực địa thi công. Các bước của quy trình ngược lại so sánh giữa bản vẽ nguyên gốc với hiện trạng thi công trên công trường cũng sẽ được thực hiện tương tự để kiểm tra sự sai lệnh. Số liệu chênh lệch sẽ được hiển thị dưới dạng 3D hoặc dưới dạng biểu đồ để chỉ rõ các điểm sai khác đồng thời kiểm tra xem có đạt hạn sai cho phép hay không.

Ngay sau khi xác định được tất cả các vấn đề có liên quan tới độ chính xác mô hình, phối hợp các khối thông tin, chúng ta sẽ sử dụng phần mềm công cụ để tổng hợp bảng yêu cầu khối lượng xây dựng tổng hợp. Với kết quả tính toán tổng khối lượng và số lượng này, các chuyên gia dự trù có thể tạo các bảng tính lặp chi tiết dựa theo các mô hình BIM 5D, mức độ chi tiết cũng như độ chính xác của phép ước lượng phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ chi tiết của các mô hình đã xây dựng trước đây. Khi đã hoàn tất bước tính toán dự trù khối lượng và vật tư, chúng ta có thể theo dõi nguồn vốn của dự án một cách chặt chẽ bằng phần mềm công cụ, cho phép các nhà quản lý cao cấp của dự án ghi nhận và đưa ra các quyết định quan trọng có ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn đầu tư cũng như tiến độ triển khai.

Những người lên kế hoạch triển khai dự án cũng là những người được hưởng nhiều lợi ích từ khối số liệu dự toán đã đưa ra được trong phần trước và sẽ sử dụng chúng để bắt đầu xác định giá trị dự án, tạo ra bản tổng hợp tối ưu vị trí của các hệ thống phục vụ cho giao dịch thương mại. Bằng cách tổ chức hợp lý các vị trí nằm trong dự án, các quy trình vận hành lô gíc có thể được áp dụng ngay trong phần mềm, giải pháp lập kế hoạch tiến độ dựa trên mô hình cho phép sử dụng lý thuyết phân luồng trái ngược với CPM (Critical Path Mothod) truyền thống. Những tuỳ chọn này sau đó có thể được sử dụng để thực hiện các bước phân tích chi tiết về sau liên quan tới cả hai yếu tố thời gian và chi phí. Cách thức thể hiện lịch trình tiến độ thông qua mô hình 4D sẽ giúp các nhà thầu phụ và và nhà thầu chính phối kết hợp làm việc với nhau cùng đánh giá diễn tiến của các kịch bản giả định đưa ra phương án giải quyết tối ưu.

Cuối cùng, song song với sự dịch chuyển của toàn bộ dự án từ văn phòng ra đến công trường, nhóm kỹ thuật cũng bắt đầu triển khai ứng dụng của phần mềm để giám sát, theo dõi, cập nhật và điều chỉnh các đội thi công trong trường hợp cần thiết. Với khả năng cung cấp số liệu đầu vào trong chế độ thời gian thực cho phép đánh giá đúng nhất hiệu quả làm việc thực tế của các nhóm thi công, đồng thời nhóm kỹ thuật cũng có đủ thời gian để đưa ra các cảnh báo nhằm tránh nhưng xung đột trong quá trình thi công giữa các hợp phần và những sự kiện cố tình gây ảnh hưởng tới tiến độ như ngừng hay cố tình kéo dài thời gian.

Toàn bộ các báo cáo quản lý liên quan đến quá trình xây dựng của dự án được tổ chức thực hiện bằng phần mềm chuyên dụng. Sau khi BIM trở thành cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh của dự án, tất cả các trường thông tin và các giá trị đã lấp đầy có thể truy cập bất kỳ thời điểm nào để tạo ra các báo cáo theo yêu cầu. Giải pháp BIM của SYNECTICS được thiết kế đặc biệt với mục đích đầu tiên cho phép người sử dụng có thể “CẮM” (Plug in) quyền sử dụng BIM tuỳ theo lựa chọn phù hợp với yêu cầu thực tiễn sau đó thực thi các phép phân tích khả năng xây dựng trên mô hình lý thuyết, tính toán dự trù số lượng, lập phương án tiến độ trên cơ sở mô hình, đưa ra các phép tính ước lượng trên cơ sở mô hình, và kiểm soát sản lượng và hiệu quả trực tiếp trên công trường, tất cả được tích hợp trong một quy trình vận hành thống nhất và liền mạch.

Quy trình vận hành tích hợp trong gói BIM của SYNECTICS cung cấp cho người sử dụng “MÔ HÌNH SỐNG” (Live Model) – Một mô hình đạt mức độ tích hợp cao nhất mà ở đó kiến trúc hình học dạng 3D liên kết chặt chẽ với số lượng chi tiết thể hiện rõ trong mối quan hệ với lịch tiến độ triển khai dự án dạng 4D và cuối cùng là các con số và chỉ tiêu ước định dạng 5D. Điều này có nghĩa rằng khi có một hợp phần nào đó trong mô hình 3D bị thay đổi (Ví dụ toà nhà sẽ có thêm một mặt sàn mới hoặc lựa chọn sử dụng một loại vật liệu khác để hoàn thiện sảnh của toà nhà), lập tức cả hai hợp phần tiến độ triển khai (4D) và chỉ tiêu ước định (5D) cũng sẽ tự động thay đổi theo.


Thiết kế, bố trí, phân tích va chạm (Clash Detection) các hệ thống kỹ thuật tuyến tàu điện ngầm số 1&2 Thành phố Hồ Chí Minh trên mô hình BIM do Công ty Synectics Consulting Corporation thực hiện.

 

Vui   lòng   chia   s   vi   chúng   tôi   qua   địa   ch   t   điện   t:   info@anthi.com.vn   hoặc info@3dscan.com.vn