Kỷ nguyên của thiết bị cầm tay di động (Phần 2)

Image Content

(Tiếp theo Bản tin số 30)

Eric Gakstatter – GPS World Magazine

Sự phát triển nhanh đến chóng mặt của Apple mà cụ thể là điện thoại thông minh iPhone có ý nghĩa gì đối với Garmin và TomTom? Những số liệu thống kê là minh chứng không thể chối bỏ: “Tháng hai năm 2012, TomTom thông báo doanh thu bán thiết bị PND GPS của hãng sụt giảm đến 40% trong quý 4 năm 2011 khi so sánh với quý 4 năm 2010 ”.

Các loại máy tính bảng

Máy tính bảng. Trong tương lai gần, việc tích hợp chipset GPS vào các máy tính bảng cũng sẽ phổ biến như đã tích hợp trong điện thoại di động. Tất cả phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng GPS/GNSS trong       thực tiễn.

Máy tính bảng cũng là sản phẩm tạo ra sự sôi động trên thị trường trong thời gian qua. Thực tế thì máy tính bảng không phải mới xuất hiện trên thị trường công nghệ, chúng đã có mặt từ những năm 1990 với giá bán siêu đắt (từ 3.000 đến 5.000 đô la Mỹ). Giá bán quá cao, hạn chế khả năng quan sát hình ảnh hiển thị dưới ánh sáng ngoài trời, hạn chế dung lượng cấp điện… tất cả các yếu tố này kết hợp lại làm cho thị trường máy tính bảng không có cơ hội phát triển, chỉ có rất ít các nhà sản xuất tiếp tục theo đuổi thiết bị này ví dụ hãng Fujitsu – Nhật Bản. Nhưng tất cả đã thay đổi hoàn toàn vào năm 2010 khi Apple  giới thiệu ra thị trường chiếc máy tính bảng iPad.

Trước khi iPad ra đời, số liệu bán máy tính bảng rất hạn chế, bản thân người sử dụng cũng chỉ giới hạn trong những ngành hẹp. Dịch vụ y tế là ví dụ điển hình của việc sử dụng máy tính bảng, đây chính là thị trường mà Fujitsu và các hãng sản xuất khác định hướng đến và đạt được những thành công nhất định, ngoài ra còn một số thị trường hẹp khác mà giá cả không phải là vấn đề quá quan trọng và cần thiết phải sử dụng đến máy tính bảng. iPad đã thổi bay hoàn toàn mức giá ngất ngưởng đối với máy tính bảng, thay vì phải trả từ 3.000 đến 5.000 đô la Mỹ cho một chiếc máy tính bảng Fujitsu, người dùng chỉ cần bỏ ra 629 đô la Mỹ để sở hữu chiếc máy tính iPad 2 – một mức giá không tưởng từ trước đến nay, và máy tính bảng đã trở thành sản phẩm phục vụ đại đa số người sử dụng. Kết quả của sự thay đổi này ra sao? Apple đã tạo ra một sự kiện vô tiền khoáng hậu, hơn 67 triệu chiếc máy tính bảng iPad đã đến tay người sử dụng kể từ khi iPad 1 được giới thiệu ra thị trường, con số này vượt xa tổng số máy tính bảng đã bán ra trong lịch sử của dòng máy tính này, ngạc nhiên hơn nữa Apple đã làm được sự kiện này chỉ trong vòng hai năm. Bản thân sự ra đời của iPad cũng đã định hình lại thị trường máy tính bảng toàn thế giới bởi hai lý do cơ bản:

- Apple iPad đã mở ra khái niệm mới cho tất cả người dùng về các ứng dụng cho máy tính bảng.

- Kéo giá bán của một chiếc máy tính bảng phù hợp với đại đa số người sử dụng.

Tất nhiên iPad cũng có những hạn chế riêng, ví dụ iPad chạy trên hệ điều hành riêng của Apple – iOS, có thể người dùng sẽ bị hạn chế về các phần mềm ứng dụng (tuy nhiên tới thời điểm hiện tại có lẽ đây lại không còn là hạn chế nữa), iPad cũng chưa đủ sức mạnh để có thể chạy được các chương trình ứng dụng đặc thù mà các máy tính chạy bộ xử lý Intel hay AMD đã làm rất tốt. Nếu xem xét từ phương diện GPS/GNSS, một số mẫu iPad sử dụng chipset GNSS (từ hãng Broadcom) giống như trong các mẫu máy điện thoại di động, tuy nhiên do chức năng GPS thiết kế trong hệ thống máy iPad chỉ mang tính chất hỗ trợ nên độ chính xác tốt nhất có thể đạt được cũng chỉ nằm trong giới hạn vài mét. Những người dùng chuyên nghiệp quan tâm đến sức mạnh của một chiếc máy GPS/GNSS thực sự sẽ rất hứng thú nếu Apple cân nhắc sử dụng giao diện cổng nối tiếp SPP (Serial Port Profile) vào chính phần mềm Bluetooth nằm trong iPad, theo đó họ có thể gắn thêm bất kỳ loại máy thu GPS/GNSS Bluetooth nào mà họ muốn sử dụng, thậm chí các máy thu có khả năng đo RTK để đạt tới độ chính xác cỡ xentimét. Nhưng thực tế Apple cũng không mấy quan tâm đến mảng người sử dụng đặc thù này.

Cũng giống như thị trường điện thoại di động, Google cũng tạo ra những máy tính bảng mạnh mẽ chạy trên hệ điều hành Android do chính họ phát triển. Hệ điều hành của Google có vẻ như đang gây ấn tượng tốt hơn đối với những nhà sản xuất máy tính bảng khác so với máy tính bảng iPad chạy hệ điều hành riêng của Apple, ví dụ như Samsung Galaxy (với máy thu GPS) và Amazon Kindle Fire (không có GPS) cũng lựa chọn Android. Thực tế còn có một mối liên hệ thú vị khác giữa điện thoại di động với máy tính bảng. Gartner đưa ra báo cáo cho thấy rõ rằng 40% người dùng chạy các ứng dụng giống nhau trên cả điện thoại di động và máy tính bảng mà họ sở hữu. Đây là con số thực sự ấn tượng bởi chính hệ điều hành là động lực thúc đẩy quyết định mua máy tính bảng. Ví dụ, một người dùng sở hữu điện thoại di động iPhone sẽ có  xu hướng muốn mua máy tính bảng iPad hơn thay vì mua máy tính bảng Samsung Galaxy chạy hệ điều hành Google Android.

Máy tính bảng phong cách nhà binh Panasonic Toughpad A1 – Không chỉ đơn thuần là chiếc máy tính bảng thiết kế cho việc giải trí.

Mặc dù là lựa chọn của một số hãng sản xuất máy tính bảng khác ngoài Google, tuy nhiên hệ điều hành Android vẫn chưa đạt mức áp đảo trên thị trường hệ điều hành máy tính bảng như thị trường điện thoại di động thông minh. Hệ điều hành iOS chạy trên iPad đang nắm giữ tới 67% thị phần trong năm 2011, hiện đã giảm xuống còn 61% trong năm 2012, nhưng vẫn đang giữ chắc chắn vị trí dẫn đầu. Android cũng vẫn chắc chắn ở vị trí thứ hai với 29% thị phần trong năm 2011 và đã tăng lên 32% trong năm 2012 theo số liệu thống kê của Gartner. Không có bất kỳ hệ điều hành nào có thể tới gần được những con số thống kê của iOS và Android.

Những dự báo của Gartner còn chỉ rõ rằng hệ điều hành Android sẽ chạm đến thị phần chia sẻ của iOS trong tương lai gần, và theo phỏng đoán của các chuyên gia Android sẽ vượt iOS để chiếm lĩnh vị trí số một trong vòng năm năm tới. Chắc chắn Apple cũng phải cảnh giác với những phỏng đoán này và sẽ có những điều chỉnh hợp lý cho hệ điều hành riêng của mình. Hiện tại chipset GPS/GNSS chưa được tích hợp một cách toàn diện vào máy tính bảng, giống như chúng đã được tích hợp vào điện thoại di động thông minh, và điều này cũng sẽ thay đổi khi việc sử dụng GPS/GNSS trên máy tính bảng trở thành nhu cầu tất yếu. Thêm vào đó, còn có rất nhiều cách thức khác nhau để có thể bổ sung GPS/GNSS cho một thiết bị không hỗ trợ GPS như kết nối qua Bluetooth, PCMCIA và USB.

Android sẽ hỗ trợ giao thức Bluetooth SPP, hoặc ít ra là biến thể của SPP, theo đó người dùng có thể kết nối bất kỳ máy thu GPS nào tương thích Bluetooth SPP mà mình sở hữu hoặc phù hợp với ứng dụng yêu cầu mà không còn bị hạn chế vào chipset GPS/GNSS đã được các kỹ sư hệ thống của các hãng quyết định và thiết kế tích hợp vào thiết bị.

(Còn nữa)

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn

Xin chân thành cảm ơn!