Chương trình hiện đại hóa Hệ thống vệ tinh GLONASS (Phần 1)

Image Content

Hầu hết người sử dụng ở Việt Nam, khi nhắc đến hệ thống định vị dẫn đường bằng vệ tinh thường chỉ nhắc đến hệ thống GPS của Hoa Kỳ, tuy nhiên song song tồn tại với GPS từ khá sớm là hệ thống định vị  dẫn đường bằng vệ tinh GLONASS của Liên bang Nga. Các loại máy thu tín hiệu định vị dẫn đường cao cấp hiện nay, đều được trang bị khả năng thu tín hiệu đồng thời của cả hai hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường là GPS và GLONASS, mặc dù vậy GLONASS vẫn còn ít người biết đến.

Trong khuôn khổ các Bản tin Công nghệ Tháng 01/2012, nhóm kỹ thuật của Công ty TNHH ANTHI Việt Nam sẽ gửi đến Quý Độc giả những thông tin quan trọng, liên quan đến chương trình hiện đại hoá hệ thống GLONASS đang được Chính phủ Liên bang Nga triển khai. Cùng với sự phát triển của các hệ thống GNSS khác như: Galileo (Châu Âu), BeiDou-2/Compass (Trung Quốc), QZSS (Nhật Bản), Hiện đại hoá GPS (Hoa Kỳ). Chắc chắn trong thời gian tới, lĩnh vực này sẽ có rất nhiều thay đổi và chúng ta - những người được hưởng lợi từ hệ thống GNSS mới, cần được chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi này.

Hãy cùng xem lại lịch sử phát triển của hệ thống định vị dẫn đường bằng vệ tinh GLONASS -Globalnaya Navigatsionnaya Sputnikovaya Sistema”, hệ thống dẫn đường vệ tinh bằng sóng vô tuyến được điều hành bởi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Liên bang Nga. Hệ thống GLONASS bắt đầu phát triển vào năm 1976, thời kỳ nước Nga Xô Viết. Tháng 12 năm 1982, những vệ tinh đầu tiên đã được tên lửa đẩy đưa lên quỹ đạo để tiến hành thử nghiệm và kiểm tra, GLONASS chính thức tạo thành “trùm vệ tinh” vào năm 1995. Ngay sau khi hoàn chỉnh, hệ thống GLONASS rơi vào tình trạng không được quan tâm đầy đủ do sự sụp đổ của nền kinh tế nước Nga Xô Viết.

Ngay từ đầu những năm 2000, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nhiệm vụ khôi phục lại hệ thống GLONASS được Chính phủ Nga ưu tiên đặt lên hàng đầu, theo đó nguồn vốn đầu tư cho hệ thống này không ngừng tăng mỗi năm. Hiện tại GLONASS đang là chương trình chiếm kinh phí cao nhất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Liên bang Nga. Đến năm 2010, GLONASS đã phủ trùm toàn bộ phần lãnh thổ Liên bang Nga, vào tháng 10/2011 hệ thống GLONASS hoàn chỉnh hợp thành bởi trùm 24 vệ tinh đã được phục hồi theo đúng thiết kế, đảm bảo cung cấp dịch vụ định vị dẫn đường phủ trùm trên khắp toàn cầu, cùng với đó là chương trình hiện đại hoá GLONASS bằng thế hệ vệ tinh định vị mới đang được khẩn trương triển khai.

Việc phóng vệ tinh GLONASS-K đầu tiên lên quỹ đạo vào tháng 2/2011 và vệ tinh này bắt đầu phát truyền  tín hiệu chuẩn CDMA trên dải tần L3, đã chính thức bắt đầu kỷ nguyên mới với các tín hiệu dẫn đường vô tuyến sử dụng cho hệ thống của Nga kết hợp các hệ thống GNSS khác trên thế giới- Kỷ nguyên hợp tác quốc tế GNSS. Hiện nay, sự gia tăng liên tục nhu cầu sử dụng các dịch vụ với độ chính xác cao hơn, nhằm thoả mãn tính năng của các loại thiết bị hai hay ba tần số thế hệ mới từ phía người sử dụng, là điều kiện tất yếu để ra đời những tín hiệu mới trên dải tần L1 và L2 của hệ thống GLONASS. Theo kế hoạch vào năm 2014, Vệ tinh GLONASS-K2 đầu tiên sẽ được phóng để thực hiện nhiệm vụ phát tín hiệu FDMA trên dải tần L1 và L2, tín hiệu CDMA trên các dải tần L1, L2 và L3. Toàn bộ việc nâng cấp hoàn chỉnh trùm vệ tinh trên quỹ đạo sẽ hoàn thành vào năm 2024. Cũng trong năm 2014, nước Nga sẽ thực hiện việc phóng tàu để xây dựng trùm vệ tinh SBAS riêng của mình với ba vệ tinh địa tĩnh hoạt động trên quỹ đạo này.

Mỗi năm sẽ có một vệ tinh trong dòng vệ tinh phát số cải chính SBAS được phóng lên quỹ đạo, như vậy trong vòng 3 năm tới, đến cuối năm 2014 trùm vệ tinh thuộc Hệ thống Giám sát và Hiệu chỉnh Phân sai SDCM (System of Differential Correction and Monitoring) sẽ chính thức được đưa vào sử dụng với ba vệ tinh địa tĩnh được duy trì bởi tàu không gian.

Mời Quý độc giả theo dõi tiếp Phần 2 trong Bản tin Công nghệ số 03-2012 ngày 16/01/2011

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn

Xin chân thành cảm ơn!