Số 41/2023: Beidou của Trung Quốc thách thức địa vị thống trị GPS Hoa Kỳ - Số 2
Jesse Khalil – Nhóm Kỹ thuật Công nghệ Công ty TNHH ANTHI Việt Nam tổng hợp biên soạn.
Bên cạnh GPS và BeiDou, hiện đang tồn tại song song hai hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh GNSS khác, thứ nhất là hệ thống GLONASS của Nga và thứ hai là hệ thống Gelileo của Cộng đồng Châu Âu, cũng như các hệ thống con mang tính chất khu vực của Nhật Bản (QZSS) và Ấn Độ (Navlc).
BeiDou với xuất phát điểm là một mạng nhỏ mang tính khu vực cục bộ với những máy thu hết sức vụng về cùng một số lượng người dùng dân sự ít ỏi, đã có sự thay đổi và tăng trưởng vô cùng ấn tượng kể từ khi chính thức phóng hai vệ tinh lên quỹ đạo vào năm 2000. Tới thời điểm hiện tại BeiDou có hơn 30 trạm giám sát nâng cao độ chính xác và đã công bố có khả năng xác định chính xác vị trí người sử dụng trong bán kính lên tới vài centimet, cùng với việc chính thức đưa vào sử dụng các tính năng liên lạc kết nối hai chiều cơ bản.
Cả hai hệ thống GPS và BeiDou đều đang và sẽ đưa ra rất nhiều lợi ích phi quân sự trong quá trình khai thác dịch vụ, những lợi ích này được thông qua quá trình mở rộng liên tục của cả hai hệ thống so với mong muốn thiết kế ban đầu. Từ những người lái xe Grab, Uber thường xuyên phụ thuộc vào số liệu GNSS trên những chiếc điện thoại di động để xác định điểm đưa đón hành khách đến những người nông dân thế hệ mới sử dụng các ứng dụng trên nền tảng GPS phục vụ cho việc lập kế hoạch sản xuất trên cánh đồng, xây dựng bản đồ canh tác, lấy mẫu đất, quản lý sâu bệnh hại, tính toán sản lượng mùa vụ … một cách chính xác nhất. GPS từng được đặt tên gọi “tiện ích lan tỏa” bởi tín hiệu của chúng được sử dụng trong hầu hết các ngành khoa học kỹ thuật, Dana Goward, Chủ tịch của Resilient Navigation and Timing Foundation nói.
NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
GPS hướng dẫn cho các loại tên lửa của Hoa Kỳ, tàu chiến và binh lính thông qua các tần số quân sự có tính an toàn và bảo mật cao, tách rời khỏi các tín hiệu dân sự khác. Trong quá khứ GPS đã từng tạo được niềm tin rất lớn trong lĩnh vực quân sự và trong các hệ thống kiểm soát của Lầu Năm Góc.
Quân đội Hoa Kỳ đã có kế hoạch dài hơi để nâng cấp hệ thống GPS với các vệ tinh được hiện đại hóa và nâng cấp toàn diện, có khả năng cung cấp tọa độ chính xác của đối tượng trên thực địa với khả năng chống can nhiễu tốt hơn. Các vệ tinh thế hệ mới cũng phát truyền số liệu cho người dùng trong lĩnh vực dân sự trên tần số mới có tên gọi L5.
Lực lượng Không gian Hoa Kỳ hiện đã có 17 vệ tinh trên quỹ đạo được trang bị tính năng tần số L5 sau một loạt các sự kiện trì hoãn nhưng vẫn chưa đạt tới con số 24 vệ tinh trực tiếp trên quỹ đạo để bảo đảm vận hành hệ thống một cách tin cậy và ổn định. Một số vệ tinh mới đã được chế tạo hiện vẫn đang lưu trong nhà kho tại Colorado để đợi cấp vốn cho nhiệm vụ phóng lên quỹ đạo.
Người phát ngôn của Lực lượng Không gian nói GPS sẽ tiếp tục xác định và đặt ra các tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực hoạt động của mình.
“Trong khi các quốc gia khác có thể đưa ra các báo cáo liên quan tới việc cải thiện đáng kể về độ chính xác và năng lực hoạt động tương đương sẵn sàng phục vụ người dùng trên thế giới, GPS vẫn rõ ràng là đầu tàu trong lĩnh vực về tính toàn vẹn và thực tế GPS vẫn là hệ thống duy nhất được chấp thuận sử dụng trong các chuyến bay quốc tế”, nữ phát ngôn cho chi nhánh của Space Systems Command nói với tờ The Wall Street Journal.
Các thế hệ vệ tinh GPS gần đây. IIR, IIR-M và III được chế tạo bởi Lockheed Martin, trong khi IIF được chế tạo bởi Boeing. Một vệ tinh IIA vẫn đang hoạt động ở tuổi 25 (tuổi thọ thiết kế là 7.5 năm). Tất cả các vệ tinh đều mang theo hợp phần kỹ thuật Harris Corporation. (Đồ họa thiết kế bởi Lockheed Martin và Boeing Co.)
Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn