Số 30/2017: Tháng này 40 năm trước chúng ta nhận được tín hiệu GPS đầu tiên

Image Content

Theo GPS World - Nhóm kỹ thuật Công ty TNHH ANTHI Việt Nam dịch và biên soạn   

Toàn bộ hệ thống tiếp nhận tín hiệu bắt đầu hoạt động ổn định vào nửa đêm ngày 19 tháng 07 năm 1977, kỹ sư David Van Dusseldorp làm việc cho Tập đoàn Rockwell Collins ngồi trên tầng thượng của tòa nhà văn phòng Tập đoàn tại Cedar Rapids, tiểu bang Lowa, Hoa Kỳ.

David điều chỉnh hệ thống ăng ten cứ mỗi năm phút một lần, để máy thu tiếp nhận những tín hiệu từ các vệ tinh thuộc hệ thống định vị toàn cầu đầu tiên trên thế giới GPS (Global Positioning System) còn được biết đến với tên gọi NTS-2.

Trạm thu tín hiệu định vị đầu tiên được Rockwell Collins sử dụng năm 1977 có chiều cao lên tới hơn 180 cm với hai chỗ ngồi đã trở thành một phần của lịch sử nhận và giải mã tín hiệu định vị toàn cầu bằng vệ tinh GPS đầu tiên (Ảnh chụp Rockwell Collins)

Với mỗi cửa sổ thời gian rất nhỏ, các vệ tinh bật mở và những bản tin thông báo phát đi từ vệ tinh đã được hệ thống của Rockwell Collins ghi nhận và giải mã thành công bởi một nhóm chuyên gia làm việc trên một hệ thống thiết bị thu có kích thước rất lớn và phức tạp như hình bên.

Kể từ thời điểm ngày 19/07/1977 kỹ thuật và công nghệ định vị dẫn đường bằng vệ tinh GPS đã có những bước phát triển vượt bậc để trở thành tiêu chuẩn trong định vị dẫn đường trên toàn thế giới, hơn thế nữa GPS đã chạm đến gần như tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống. Và để ghi nhớ ngày trọng đại này 40 năm về trước, Rockwell Collins đã mời tất cả những người từng tham gia vào dự án và đóng góp phần quan trọng vào câu chuyện thần kỳ này, tới dự sự kiện được tổ chức ngay tại Cedar Rapids ngày 19/07/2017.

“Chúng tôi có những nhà lãnh đạo và các thành viên trong nhóm phối hợp làm việc chặt chẽ với nhau và tôi biết rằng chúng tôi có khả năng đối mặt với bất kỳ thách thức nào”, ông Van Dusseldorp “Ở thời điểm ấy khó mà đoán định được tương lai của hệ thống GPS, nhưng tôi luôn có cảm giác rằng chúng tôi vừa mới đạt được điều gì đấy rất quan trọng”.

Ngay sau khi đạt được thành công trong việc nhận tín hiệu định vị vệ tinh đầu tiên, Không lực Hoa Kỳ đã trao cho Tập đoàn Rockwell Collins hợp đồng chế tạo thiết bị người dùng GPS NAVSTAR đầu tiên. Đây là thắng lợi thứ nhất làm tiền đề cho rất nhiều thắng lợi giúp định vị Rockwell Collins thành hãng dẫn đầu trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị GPS phục vụ cho lĩnh vực không gian và quốc phòng an ninh.

Cũng từ thời điểm này, Rockwell Collins tiếp tục là Tập đoàn đi tiên phong trong lĩnh vực GPS, ví dụ như trở thành hãng đầu tiên thực hiện thành công chuyến bay vượt Đại Tây Dương có sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS vào năm 1983. Năm 1994, trong lĩnh vực an ninh, máy thu GPS trọng lượng nhẹ độ chính xác cao đáp ứng yêu cầu đặc biệt của quân sự quốc phòng PLGR (Precision Lightweight GPS Receiver) lần đầu tiên ra chiến trường, được lắp đặt trên các phương tiện chiến đấu nhằm đảm bảo khả năng dẫn đường chiến thuật trong điều kiện tác chiến.

Năm 2014, Rockwell Collins đạt được dấu mốc quan trọng nữa trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ định vị dẫn đường vệ tinh, đó chính là việc hoàn thiện nhiệm vụ phát triển nguyên mẫu máy thu đầu tiên có khả năng dò tìm, thu nhận và xử lý tín hiệu định vị dẫn đường phát đi từ hệ thống vệ tinh Galileo được xây dựng và phát triển bởi Cộng đồng Châu Âu. Galileo cũng là hệ thống định vị dẫn đường bằng vệ tinh có khả năng cung cấp tín hiệu định vị trên bình diện toàn cầu.

Máy thu Rockwell Collins GPS-4000S

Phiên bản máy thu GPS hiện đại hơn được đưa vào sử dụng năm 1977 mang tên Rockwell Collins GPS-4000S, có khả năng xử lý tín hiệu truyền tải từ 10 vệ tinh định vị GPS và hai vệ tinh hiệu chỉnh độ chính xác SBAS (Space-Based Augmentation Systems) phát đi liên tục từ vệ tinh địa tĩnh. Nếu so với với trạm máy thu GPS đầu tiên của Rockwell Collins có chiều cao lên tới hơn 180 cm, thì máy thu GPS-4000S chỉ cao có 20 cm, đó thực sự là khác biệt vô cùng lớn.

Kích thước, tiêu thụ điện năng và sức mạnh của các loại máy thu GPS có liên quan và ảnh hưởng đến từng lĩnh vực ứng dụng khác nhau, ví dụ mô- đun ứng dụng máy thu Micro GPS (MicroGRAM). Máy thu này chỉ cao đúng 2.5 cm, có khả năng xử lý số liệu đến từ 12 vệ tinh và chỉ tiêu thụ một lượng điện năng cực kỳ nhỏ (nhỏ nhất trong các loại máy thu cùng phân khúc). Một điểm quan trọng nữa tạo ra sự khác biệt giữa các loại máy thu do Rockwell Collins phát triển đó chính là các kỹ thuật ứng dụng nhằm tạo ra khả năng chống nhiễu, chống nghẽn tín hiệu để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả tối đa khi đưa thiết bị vào sử dụng trong các ứng dụng đặc biệt như quân sự quốc phòng, cũng như các hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Kể từ thời điểm lịch sử 40 năm về trước vào ngày 19/07/1977, Rockwell Collins đã giới thiệu tới thị trường hơn 50 sản phẩm GPS khác nhau trong đó gồm các hệ thống GPS chống nhiễu và hỗ trợ hạ cánh chính xác trong lĩnh vực hàng không, trong lĩnh vực quân sự. Đồng thời đã chuyển tới tay người sử dụng hơn một triệu máy thu GPS phục vụ cho hàng không dân dụng cũng như các ứng dụng đặc biệt của chính phủ, chính những sản phẩm và kỹ thuật công nghệ mà Rockwell Collins tạo ra đã giúp định hình lĩnh vực dẫn đường vệ tinh, cả trong không gian lẫn trên mặt đất.

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn