Số 22/2017: GALILEO khởi động dịch vụ tìm kiếm cứu nạn SAR

Image Content

Theo GPSWorld - Nhóm kỹ thuật Công ty TNHH ANTHI Việt Nam biên soạn  

Dịch vụ tìm kiếm cứu nạn SAR (Search and Rescue) của hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh Galileo của Cộng đồng Châu Âu đã chính thức đi vào hoạt động với việc công bố rộng rãi vào ngày 6/4/2017, là một trong số các hợp phần của mạng lưới COSPAS-SARSAT phát hiện và định vị các trường hợp khẩn nguy trên biển nhằm khởi hoạt các phương tiện hỗ trợ như máy bay, tàu cứu hộ hoặc các phương tiện cứu nguy khác. Theo Ủy ban Châu Âu, dịch vụ Galileo SAR sẽ hỗ trợ giảm thiểu thời gian xác định các tín hiệu khẩn nguy trên biển từ vài giờ xuống còn dưới 10 phút nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho thủy thủ đoàn. Không chỉ trên biển mà dịch vụ Galileo SAR cũng được triển khai cả trên đất liền và trên không, khi có các cuộc gọi khẩn nguy ở bất kỳ đâu nằm trong khu vực hoạt động được công bố mới đây.

Khu vực tìm kiếm cứu nạn SAR mà hệ thống Galileo bắt đầu hoạt động

Trên biển, dịch vụ SAR của Galileo sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn bởi thời gian hồi đáp nhanh, khu vực tìm kiếm được thu nhỏ theo đó các tàu đã phát đi cuộc gọi khẩn nguy sẽ không bị trôi dạt nhiều theo thời gian. Trên đất liền, việc định vị được chính xác vị trí giúp cho các nhóm cứu nạn có thể hành động một cách khẩn trương nhất trong khu vực tìm kiếm và hỗ trợ tối đa cho các nạn nhân. Trong không gian, Galileo sẽ đáp ứng và hỗ trợ toàn diện những yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế ICAO (International Civil Aviation Organization) trong việc triển khai hệ thống quản lý trường hợp khẩn nguy thế hệ tiếp theo GADSS (Global Aeronautical Distress and Safety System).

Các thiết bị phát đáp trên vệ tinh Galileo có thể nhận các tín hiệu truyền phát tần số 406 MHz từ bất kỳ trạm truyền tin nào nằm trong khu vực phủ trùm dịch vụ đã công bố và phát lại thông tin này về cho các trạm mặt đất riêng và các vệ tinh quỹ đạo trung bình trái đất hỗ trợ thiết bị người dùng đầu cuối MEOLUTs (Medium-Earth Orbit Local User Terminal). Cơ sở hạ tầng SAR của Galileo cũng hoạt động tương hỗ với các bộ phát đáp SAR khác trên hệ thống vệ tinh định vị GPS và GLONASS.

Khi MEOLUTs định vị được chính xác vị trí trạm truyền tin phát đi cuộc gọi khẩn nguy, số liệu vị trí lập tức được truyền tới trung tâm chỉ huy điều phối nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn COSPAS-SARSAT, trung tâm này có nhiệm vụ phân bổ lệnh cứu nguy tới cho các trung tâm tìm kiếm cứu nạn phù hợp nhất trong khu vực, những thông tin này sẽ hỗ trợ chính xác nhất cho các nhóm tìm kiếm cứu nạn triển khai trên hiện trường.

Galileo hiện đang cung cấp vùng phủ trùm dịch vụ tìm kiếm cứu nạn trên diện tích khoảng 40 triệu cây số vuông trên khu vực Châu Âu đồng thời cũng cung cấp thông tin cho hệ thống MEOSAR phủ trùm toàn cầu. Dịch vụ Galileo SAR là một trong ba nhóm dịch vụ được công bố tháng 12/2016 dưới dạng các dịch vụ khởi động ban đầu (ANTHI đã đưa trong các bản tin trước). Dịch vụ tìm kiếm cứu nạn SAR của hệ thống vệ tinh định vị Galileo chỉ chiếm 1 phần trăm trong toàn bộ kinh phí của chương trình, nhưng quan trọng hơn dịch vụ này có khả năng cứu nạn và đảm bảo tính mạng cho hàng nghìn nạn nhân, theo thông báo của Ủy ban Châu Âu.

SOKKIA GIỚI THIỆU MÁY THU LÀM VIỆC VỚI PHẦN MỀM MÃ NGUỒN MỞ

Theo GPSWorld - Nhóm kỹ thuật Công ty TNHH ANTHI Việt Nam biên soạn

Hãng Topcon SOKKIA vừa mới giới thiệu ra thị trường mẫu máy thu GNSS tích hợp GCX3 với nhiều chức năng nâng cấp như khả năng dò tìm các chùm vệ tinh định vị mạnh mẽ, tương thích với phần mở mã nguồn mở và khả năng kết nối giữa trạm di động và trạm cố định khoảng cách dài.

Được thiết kế trên nền tảng thế hệ tiền nhiệm SOKKIA GCX2 hình dạng “viên đạn” trọng lượng siêu nhẹ, kích thước thu nhỏ tối đa nhưng các chức năng dò tìm vệ tinh lại được nâng cấp một cách mạnh mẽ. GCX3 sử dụng ăng ten tích hợp với kỹ thuật thế hệ thứ hai POST (Precision Orbit Satellite Technology) bổ sung khả năng dò tìm thu tín hiệu từ các hệ thống vệ tinh BeiDou, Galileo, SBAS, QZSS và GAGAN trong khi vẫn duy trì khả năng thu tín hiệu GPS và GLONASS của thế hệ trước GCX2.

GCX3 được thiết kế dưới dạng công nghệ máy thu mã nguồn mở, điều này có nghĩa rằng người sử dụng sẽ không bị cố định vào một chương trình phần mềm xác định nào đó để tải về và xử lý số liệu đo. Máy thu GCX3 được trang bị tính năng đo động thời gian thực RTK từ các hệ thống lưới có khả năng cung cấp dịch vụ này dựa trên nền tảng kỹ thuật kết nối không dây Bluetooth đa kênh khoảng cách dài. Khi sử dụng dưới dạng trạm cố định, GCX3 có thể hỗ trợ tới ba máy thu di động kết nối cùng lúc trong khoảng cách lên tới 300 mét. Mỗi máy thu SOKKIA GCX3 đều có thể được xác lập cấu hình để làm trạm cố định hoặc di động, khi làm việc trong chế độ máy thu di động lưới RTK sẽ cần tích hợp với thiết bị điều khiển cầm tay có khe cắm SIM di động phù hợp.

SOKKIA GCX3 với những đặc điểm nổi bật:

· Máy thu có khả năng dò tìm tất cả các chùm vệ tinh GNSS trên bầu trời;

· Tối ưu hóa và dò tìm 226 kênh vệ tinh;

· Sử dụng ăng ten thế hệ hai POST2TM đảm bảo hoạt động ở cả các khu vực nhiễu cao;

· Gọn, nhỏ, nhẹ, chắc chắn và hoàn toàn không sử dụng cáp nối;

· Máy thu di động lý tưởng cho các lưới RTK thế hệ mới;

· Sử dụng kỹ thuật kết nối không dây Blouetooth đa kênh khoảng cách dài.

Thông tin chi tiết có tại địa chỉ: https://us.sokkia.com/products/gnss-receivers/rtk-systems/gcx3

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn