Số 03/2021: "Năm 2020 và Nhà đo đạc" chúng ta học được những gì – Số 2

Image Content

Tim Burch

Nhóm Kỹ thuật Công nghệ Công ty TNHH ANTHI Việt Nam tổng hợp biên soạn.

Trong khi đó dường như chưa có các ứng dụng nào thiết kế trên thiết bị di động được phát triển dành riêng cho các nhà đo đạc cho tới thời điểm hiện tại, có thể nói rằng đây là thời điểm an toàn nhưng có lẽ sẽ chỉ trong ngắn hạn mà thôi. Nếu có sự xuất hiện của các ứng dụng trên thiết bị di động với chức năng đo đạc, chắc chắn thị trường rộng lớn của các thiết bị di động sẽ tạo ra áp lực đối với các nhà sản xuất thiết bị đo đạc và bản đồ, khiến họ sẽ phải cân nhắc phương án giá thành hợp lý đối với các thiết bị chuyên ngành đang sản xuất nếu không muốn bắt đầu chuỗi rủi ro khi buộc phải chia sẻ thị phần với các nhà sản xuất thiết bị di động.

Thiết bị bay không người lái UAV tiếp tục là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành đo đạc và bản đồ. Ngày càng có thêm nhiều nhà sản xuất thiết bị bay, cảm biến số liệu và sản xuất phần mềm tham gia vào phân khúc thị trường tiềm năng này, các nhà đo đạc ngày càng có nhiều lựa chọn phục vụ cho nhiệm vụ của mình. DJI tiếp tục dẫn đầu trong phân khúc thiết bị bay đa động cơ lên thẳng trang bị các cảm biến thế hệ mới trong khi các nhà sản xuất khác đang tập trung vào phân khúc thiết bị bay cánh bằng cố định và các thiết bị bay cánh bằng cố định có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng VTOL (Vertical Take-off and Landing). Các thiết bị bay không người lái thế hệ mới có thời gian bay lâu hơn, các nhà sản xuất không ngừng cải tiến thành phần và trọng lượng pin cấp điện cho UAV. Phân khúc cảm biến số liệu cũng có sự thay đổi, ngày càng xuất hiện nhiều thiết bị quét laser 3D (LiDAR) có giá thành hợp lý, các loại máy ảnh thế hệ mới có khả năng phát hiện và xác định đa phổ, tìm kiếm rò rỉ khí đốt hay nguồn ô nhiễm môi trường và nhiều chức năng đặc biệt khác.

Các hãng sản xuất phần mềm cũng vậy, các phần mềm liên tục được cập nhật và bổ sung thêm chức năng mới. Quy trình làm việc với số liệu địa không gian thông qua phần mềm ngày càng được hoàn thiện, các kỹ thuật chuyên ngành dần được chuyển hoá bởi ngôn ngữ lập trình cao cấp và thông minh hơn. Google Maps đang là ứng dụng dẫn đường mặc định đối với phần đa người sử dụng điện thoại thông minh, người sử dụng đã dần quen với khái niệm định vị dẫn đường bằng vệ tinh GNSS cũng như cách thức sử dụng và điều khiển bản đồ phục vụ cho mục đích ứng dụng của mình.

Cũng giống như khi chúng ta sử dụng máy thu GNSS phục vụ cho đo đạc bản đồ, người sử dụng điện thoại thông minh cũng bị hạn chế bởi nhiễu đa đường ảnh hưởng tới kết quả định vị trên điện thoại và hoàn toàn không có cách nào để loại bỏ được nguồn nhiễu này. Google đã nhận thức được vấn đề này và bắt đầu xử lý thông qua các chương trình mới có khả năng giải quyết cũng như giảm thiểu tối đa các sai số vị trí xuất hiện khi người sử dụng chạy ứng dụng Google Maps. Đây là minh chứng rõ ràng để chúng ta thấy rõ hơn độ chính xác khi xác định vị trí điểm có vai trò quan trọng như thế nào trong xã hội hiện đại, độ chính xác vị trí điểm càng cao sẽ nhận được sự tin tưởng của người sử dụng, ngay cả khi họ không phải là các nhà đo đạc.

TẠI HOA KỲ

Tại Hoa Kỳ năm 2020, các nhà đo đạc không thấy sự chậm chễ nào trong hành động của các cơ quan chính phủ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Tương đồng với rất nhiều chủ đề đã được thực hiện bởi nguồn vốn chính phủ, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này nhận được những hợp đồng triển khai của các cơ quan liên bang và đại diện tại từng bang trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Một trong những dự án lớn nhất và đầy tham vọng với rất nhiều tính năng nâng cấp tiếp tục được triển khai với tên gọi mới Lagado (trước đây được biết đến với tên gọi LightSquared). Lagado sẽ tăng cường khả năng kiểm soát và được xây dựng để hình thành nên một công nghệ viễn thông thế hệ mới đã từng được chứng minh có khả năng can thiệp và gây can nhiễu cho các giải tần truyền phát tín hiệu GPS. Uỷ ban truyền thống liên bang Hoa Kỳ FCC (Federal Communicatins Commission), dẫn đầu bởi Chủ tịch Ajit V. Pai đã thành công trong việc nắm bắt tất cả những thách thức đối với công nghệ mới này, trong đó bao gồm đại diện của cơ quan lập pháp và quốc phòng.

Điểm tranh cãi chính xuất phát từ phía FCC là giá trị của hệ thống dưới hình thức một mạng viễn thông cung cấp dịch vụ 5G tạo ra một phần hạ tầng viễn thông quốc gia. Họ cũng đưa ra tuyên bố rằng đã có giải pháp bảo vệ an toàn cho các giải tần hoạt động của hệ thống định vị toàn cầu GPS, nhưng vẫn còn đó nhiều nghiên cứu của các đơn vị độc lập khác lại chứng minh điều ngược lại. Cuộc chiến bảo vệ giải tần hoạt động này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2021, và đây thực sự là điều thú vị khi chúng ta được chứng kiến nếu các cơ quan quản lý nhìn nhận thấy những điểm khác bởi cách thức tiếp cận Ligado dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Một số quy định mới được ban hành từ Washington, D.C. hồi cuối năm 2020 đã đưa DJI vào danh sách đen bằng việc công bố những quy định mới đối với thiết bị bay không người lái UAV khi bay đêm và hoạt động tại nơi đông người. Với quy định mới này DJI sẽ gặp khó khăn tại Hoa Kỳ bởi từ thời điểm cuối năm 2020, việc các cơ quan chính phủ (liên bang hay bang) sử dụng các loại UAV có nền tảng sản xuất tại Trung Quốc cho bất kỳ ứng dụng nào được coi là hoạt động bất hợp pháp. Nếu xét trên thị phần mà DJI đang độc chiếm trong lĩnh vực đặc thù này trên thế giới cũng như tại Hoa Kỳ, chúng ta chỉ có thể đợi xem những quy định khắt khe này sẽ gây tác động lớn như thế nào đối với DJI khi bắt đầu được thực hiện và nếu quy định này tiếp tục được mở rộng sang các ứng dụng do tư nhân thực hiện thì đây chắc chắn là dấu chấm hết cho các thiết bị bay không người lái sản xuất tại Trung Quốc được phép hoạt động tại Hoa Kỳ.

(Còn tiếp)

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn