MÔ HÌNH THÔNG TIN XÂY DỰNG - BIM (Building Information Modelling) - CHUẨN TƯƠNG LAI TRONG LĨNH VỰC KIẾN TRÚC VÀ XÂY DỰNG (Phần 1)

Image Content

Nhóm kỹ thuật Công ty TNHH ANTHI Việt Nam

Gần đây tại Việt Nam chúng ta bắt đầu thấy xuất hiện ngày càng nhiều thuật ngữ BIM (Building Information Modelling). Trong một loạt các bản tin công nghệ năm 2013, Nhóm kỹ thuật của Công ty TNHH ANTHI Việt Nam đã có dịp giới thiệu với Độc giả những khái niệm tổng quan,  khả năng ứng dụng cũng như những lợi ích và hạn chế của Mô hình Thông tin Xây dựng BIM. Trong các bản tin tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi tới Độc giả những thông tin chi tiết hơn về BIM – Chuẩn tương lai trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng.

Trong bất kỳ dự án xây dựng nào từ xây dựng dân dụng đến xây dựng công nghiệp, chắc chắn các nhà thầu và chủ đầu tư đang có trong tay hàng nghìn bản vẽ thiết kế, hàng trăm nghìn đầu mục tài liệu khác nhau, hàng chục đầu mối cung cấp dịch vụ, vật tư và rất nhiều các nhà thầu phụ … Làm thế nào để có thể quản lý một cách tốt nhất, tổng thể nhất và hiệu quả nhất luôn là thách thức lớn đối với không chỉ các nhà thầu xây dựng, mà còn là khó khăn trực tiếp đối với chủ sở hữu dự án.Thuật ngữ BIM bắt đầu xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước trong lĩnh vực đóng tàu và chế tạo máy bay tại Hoa Kỳ, sau hơn 4 thập kỷ hình thành và phát triển, tới thời điểm hiện tại BIM được ứng dụng sâu rộng ở nhiều Quốc gia trên thế giới và đã hình thành nên những tiêu chuẩn bắt buộc. Các Quốc gia đi đầu trong triển khai ứng dụng BIM trên thế giới phải kể đến bao gồm Hoa Kỳ, Na Uy, Anh Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nga … Song song với việc ứng dụng, Cơ quan quản lý cấp Nhà nước tại các Quốc gia này còn soạn thảo và ban hành lộ trình và những quy định bắt buộc phải ứng dụng BIM vào thực tiễn.

Có thể nói rằng giải pháp BIM là minh chứng điển hình nhất cho sự thay đổi trong ngành công nghiệp xây dựng. Sở hữu BIM cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã có trong tay một công cụ hoàn chỉnh, có khả năng dự báo những gì sẽ diễn ra tiếp theo trong vòng đời của một dự án xây dựng, với độ chính xác cao hơn nhiều so với những gì chúng ta có trước đây. Hiểu một cách đơn giản BIM là gói giải pháp quản trị xây dựng công trình tích hợp, BIM tạo ra đòn bẩy phát suy sức mạnh của các bản vẽ 2D và các mô hình 3D, chuyển tiếp sang mô hình 4D phục vụ lên kế hoạch triển khai và mô hình 5D phục vụ các phép tính toán ước định.

Để hình thành nên một mô hình BIM, thì tất cả các bản vẽ thiết kế liên quan đến các hợp phần của một công trình trong một dự án sẽ được đưa về một mối, chuyển đổi thành một mô hình BIM 3D tập trung. Nguồn tài liệu này được cung cấp bởi nhiều nguồn khác như: Từ các kiến trúc sư, Kỹ sư chuyên ngành, Nhà thầu phụ … dưới những định dạng số liệu như: Revit, Tekla, ArchiCAD, CAD-Duct, Các tập tin IFC, thậm chí là các tập tin SketchUp và 3D DWG.

Có một thực tiễn mà chúng ta đang nhận thấy rõ ngay tại Việt Nam đó chính là việc ngành công nghiệp xây dựng đang bước vào giai đoạn thay đổi rất mạnh, với những công nghệ thiết kế thi công tiên tiến hơn rất nhiều so với trước đây 10 năm. Tuy nhiên những tài liệu sử dụng trong các hợp đồng chính thức vẫn đang thể hiện dưới dạng 2D theo nhiều dạng thức khác nhau, các nhà thầu chính thường đòi hỏi phải thực thi và kiểm soát song song: Một mặt vẫn duy trì các tài liệu 2D theo trình tự, mặt khác cũng mong muốn đưa ra các mô hình 3D, nhưng thực tiễn lại không có đủ thời gian trong một ngày để có thể theo sát một tập hợp các tài liệu bản vẽ bằng phương pháp thủ công chứ chưa tính tới việc so sánh sự thay đổi giữa các phiên bản khác nhau và hoàn toàn không thể so sánh được các tài liệu 2D với tài liệu 3D – BIM chính là giải pháp có khả năng giải quyết những khó khăn như trong ví dụ này một cách triệt để. Các kỹ thuật liên quan trong công nghệ BIM sẽ tạo ra sự khác biệt giữa các nhà thầu xây dựng truyền thống và các nhà thầu theo xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại. Có thể nói đây là thời điểm phù hợp để chúng ta cân nhắc lựa chọn những thành viên ưu tú, hình thành một nhóm làm việc mới và triển khai sử dụng gói giải pháp tốt nhất hiện có trên thị trường chính là –BIM.

Như đã đề cập trong phần trên, các chức năng của BIM được phân tách thành các môđun đặc thù, có khả năng giải quyết từng phần công việc, dựa trên những yêu cầu và kinh nghiệm thực tiễn triển khai hợp thành. Hình dưới đây liệt kê chi tiết các cấp ứng dụng của BIM cũng như những mô tả chức năng cơ bản.

(Còn tiếp)

Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, những trao đổi và thảo luận liên quan tới việc phát triển các ứng dụng của công nghệ quét laser 3 chiều trong thực tiễn cùng với Quý Độc giả và các Cơ quan, Đơn vị trong cả nước. Vui lòng chia sẻ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn hoặc info@3dscan.com.vn