GNSS – Các tín hiệu mới, lần phóng tàu mới và các máy thu GPS lỗi

Image Content

Eril Gakstatter

Vệ tinh GPS IIF thứ hai của năm 2014 đã được phóng ngày 16/5

Ngày 16/05/2014, vệ tinh GPS IIF thứ hai trong năm 2014 đã được phóng thành công từ sân bay vũ trụ Cape Cnaveral bang Florida. Đây là vệ tinh GPS kiểu IIF thứ sáu trong số mười hai vệ tinh đã được thiết kế chế tạo trước khi chuyển sang thế hệ vệ tinh kế tiếp GPS III. Vệ tinh mới phóng này bắt đầu truyền phát số liệu ngày 21/05/2014 nhưng vẫn chưa được xác lập sang chế độ cung cấp dịch vụ.

Vệ tinh GPS thế hệ IIF được thiết kế với khả năng phát truyền các tín hiệu GPS cũ cũng như phát các tín hiệu trên hai tần số dân sự mới là L2C và L5. Thông thường, sau khi phóng và ổn định trên quỹ đạo các vệ tinh GPS sẽ được xác lập trạng thái cung cấp dịch vụ (và sẽ bắt đầu được sử dụng một cách hoàn toàn tự động bởi các máy thu người sử dụng) trong thời gian 30 ngày, nhiều khi nhanh hơn thời gian dự kiến này. Tuy nhiên, vệ tinh GPS IIF được phóng lên quỹ đạo hồi tháng 02/2014 vẫn chưa chuyển sang chế độ cung cấp dịch vụ, theo những báo cáo mới nhất hiện vệ tinh này vẫn đang trong chế độ thử nghiệm và kiểm tra các báo cáo. Vệ tinh GPS IIF thứ ba đã được lên lịch phóng trong năm nay, dự kiến vào ngày 31/07/2014.

Trong cuộc phỏng vấn trước khi phóng vệ tinh, Không lực Hoa Kỳ đã chỉ rõ tất cả các vệ tinh GPS IIF còn lại (sáu vệ tinh) sẽ được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2016. Trong những cuộc đàm thoại trước đó, Không lực Hoa Kỳ cũng đã chính thức xác nhận rằng sẽ có sự chồng ghép giữa những lần phóng vệ tinh IIF và III. Nói cách khác, vệ tinh GPS III đầu tiên có thể được phóng lên quỹ đạo trước khi kết thúc nhiệm vụ đưa tất cả các vệ tinh GPS IIF lên quỹ đạo.

Hai vệ tinh Galileo FOC đầu tiên đã tới sân bay vũ trụ French Guiana để chuẩn bị phóng

Hai vệ tinh Galileo FOC (Fully Operational Capability) đầu tiên đã được chuyển tới sân bay vũ trụ French Guiana để chuẩn bị cho việc phóng lên quỹ đạo vào cuối mùa hè này. Sau khi phóng và hoàn tất ổn định trên quỹ đạo, 2 vệ tinh FOC này sẽ liên kết với 4 vệ tinh Galileo IOV (In Orbit Validation) đã được phóng lên quỹ đạo vào năm 2011 và 2012.

Việc phóng vệ tinh FOC đầu tiên có thể là chỉ dấu quan trọng để bắt đầu bước vào giai đoạn sản xuất và phóng hàng loạt vệ tinh Galileo từng cặp đôi theo mỗi quý trong năm. Giulian Gatti, người đứng đầu bộ phận mua sắm dự án Galileo của ESA chỉ rõ “Quy trình chuẩn bị cho các vệ tinh Galileo đã được định hướng một cách chắc chắn và rõ ràng, từ OHB đến ESTEC để kiểm tra nghiệm thu sau đó được đưa tới sân bay vũ trụ French Guiana. Xin được cảm ơn tất cả các bạn đã tham gia vào quá trình chuẩn bị này với rất nhiều công việc phải làm cho những vệ tinh Galileo FOC tiên phong, các vệ tinh Galileo tiếp theo sẽ được triển khai liên tục sau thời điểm này”. OHB là nhà thầu chính chịu trách nhiệm trực tiếp tới 22 vệ tinh Galileo FOC. Đây chính là những vệ tinh bổ sung vào 4 vệ tinh Galileo IOV hiện hữu.

Hàng loạt lỗi hệ thống với GLONASS trong tháng 4

Ngày 01/04/2014, toàn bộ hệ thống GLONASS đã không hoạt động trong vòng 11 giờ đồng hồ liên tục. Lần thứ hai, lại xảy ra lỗi đối với 8 vệ tinh GLONASS vào ngày 14/04/2014 kéo dài trong thời gian 30 phút. Rất nhiều các báo cáo liên quan tới các máy thu RTK không hoạt động đúng theo thiết kế, một số nhà sản xuất còn đưa ra hướng dẫn cho người sử dụng của mình là tắt toàn bộ chức năng dò tìm sử dụng GLONASS trên máy thu đang vận hành.

Cuối cùng, những sai sót toán học là lý do đưa ra để giải thích cho những sự cố xảy ra với hệ thống GLONASS trong tháng 4. Người đứng đầu cơ quan vũ trụ liên bang Nga RSA (Russian Space Agency) ông Oleg Ostapenko đảm bảo rằng những vấn đề liên quan tới hệ thống GLONASS đã được khắc phục một cách toàn diện vào giữa tháng 5/2014 và gần như sẽ không có những lỗi tương tự có khả năng xảy ra với hệ thống GLONASS thêm một lần nữa.

Nga đe doạ ngưng các trạm quan trắc GPS

Để đáp trả sự phê chuẩn của Hoa Kỳ có liên quan tới quyết định từ năm 2013 về việc “Hoa Kỳ từ chối đảm bảo cho Nga quyền đặt các trạm quan trắc GLONASS trên lãnh thổ Hoa Kỳ”, Nga cũng đe doạ sẽ đóng cửa toàn bộ các trạm quan trắc có đặt máy thu GPS trên toàn lãnh thổ Nga. Theo báo cáo của một số phương tiện truyền thông cho rằng, hành động này của Nga sẽ có ảnh hưởng tới GPS, điều này hoàn toàn không xảy ra. Những điều mà Nga tuyên bố và đề cập đến chỉ là việc ngưng hoạt động của một số hoặc tất cả các trạm cung cấp số liệu cho dịch vụ GNSS toàn cầu IGS (International GNSS Service) cấp từ các trạm GPS đặt trên lãnh thổ Nga. Các trạm này không có nhiệm vụ gì khác ngoài việc thu số liệu GPS, chúng chỉ đơn thuần là các trạm quan trắc liên tục CORS (Continually Operating Reference Stations). Nếu có điều gì đó xảy ra, những người bị ảnh hưởng và thiệt hại đó chính là các nhà khoa học Nga (và các nhà khoa học đến từ các Quốc gia khác) hơn bất kỳ người sử dụng nào khác.

Tên lửa đẩy của Nga gặp sự cố

Cũng trong tháng 4/2014, lần thứ năm trong vòng 4 năm qua tên lửa đẩy của Nga gặp sự cố. Rất may mắn cho cộng đồng sử dụng GNSS là tên lửa đẩy gặp sự cố không mang theo bất kỳ vệ tinh GLONASS nào. Tuy nhiên sự cố này làm dấy lên nỗi quan ngại về mức độ tin cậy của các tên lửa đẩy do Nga sản xuất cũng như quy trình phóng tàu. Các vệ tinh Galileo của Châu Âu đều được phóng nhờ sử dụng tên lửa đẩy Soyuz của Nga tại sân bay vũ trụ French Guiana.

Sự cố này làm chúng ta nhớ lại tháng 7/2013, ba vệ tinh GLONASS đã mất khi tên lửa đẩy Proton-M của Nga rơi ngay sau khi rời khỏi bệ phóng.

 

Vui lòng chia sẻ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử: info@anthi.com.vn