GALILEO: Công cụ chiến lược trong lĩnh vực tự động và hiện thực hóa đóng góp của Châu âu cho toàn thế giới (Số 1)

Image Content

Nguồn Jeremie Godet và Fiammetta Diani - ANTHI Việt Nam dịch và biên soạn

Trong Bản tin Công nghệ Số 1 năm 2016, Quý Độc giả đã được nhìn tổng quát về hiện trạng của hệ thống định vị dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu BeiDou của Trung Quốc. Các Bản tin Công nghệ Số 2 và Số 3 năm 2016 chúng ta sẽ cùng nhau xem xét những định hướng phát triển trong năm 2016 và những năm tiếp theo của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Galileo, Châu Âu.

Chương trình Galileo hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển hệ thống và theo thiết kế sẽ hoàn chỉnh vào năm 2020. Theo những thông tin đã công bó thì các dịch vụ khai thác sẽ bắt đầu được triển khai chính thức từ năm 2016, có thể coi đây là bước đầu để khám phá những dịch vụ mà Galileo có khả năng cung cấp cho tới khi hệ thống hoàn chỉnh vào năm 2020. Toàn bộ quá trình phát triển cũng như các hoạt động nghiên cứu ứng dụng đều được cấp kinh phí toàn bộ bởi Cộng đồng Châu Âu, ngoại trừ hai thành viên nằm ngoài cộng đồng là Na Uy và Thụy Sỹ thực hiện việc hỗ trợ tài chính cho các hoạt động thông qua các thỏa thuận quốc tế.

Jeremie Godet – Trưởng nhóm An ninh, Tín hiệu và Các tần số của Chương trình Galileo, Ủy ban Châu Âu (Trái); Fiammetta Diani, Phó trưởng phòng Phát triển Thị trường, Đại diện GNSS Châu Âu. 

Mục đích cơ bản của Chương trình Galileo là xây dựng hoàn chỉnh và điều hành hoạt động một hệ thống vệ tinh dẫn đường đầu tiên trên thế giới hoàn toàn vì mục đích dân sự và được đặt dưới sự hoạt động của các Quốc gia thuộc Cộng đồng Châu Âu, trong rất nhiều mục tiêu ứng dụng thì tự động hóa trong nội tại Cộng đồng được cho là lĩnh vực khai thác ứng dụng mang tính chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Cộng đồng Châu Âu, các Quốc gia đồng thuận trong việc phát triển, sở hữu và chịu trách nhiệm xây dựng một dự án phát triển hạ tầng có quy mô lớn như vậy.

Tính độc lập được coi là mục tiêu quan trọng nhất của Chương trình Galileo, trong khi đó các yếu tố khác vẫn phải đảm bảo tồn tại song hành và đảm bảo đầy đủ đó là tính tương thích cũng như khả năng tương hỗ trong hoạt động với các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu hiện hữu và các hệ thống sẽ hình thành trong tương lai. Thực tiễn cho thấy tính tương thích về mặt tần số của Galileo đã được kiểm tra với các hệ thống vệ tinh khác như GPS, IRNSS, QZSS và BeiDou COMPASS, với một loạt các chương trình kiểm tra phối hợp đã được thực hiện trong hai năm vừa qua trên nền tảng các quy định khung của Ủy ban Viễn thông Quốc tế ITU (International Telecommunications Union). Các thỏa thuận Quốc tế có nội dung phủ trùm diện rộng đã đạt được giữa Hoa Kỳ với Cộng đồng Châu Âu ngay từ năm 2004, theo đó tính tương thích và khả năng phối hợp hoạt động đã được thể hiện trên thực tế thông qua các bộ điều biến tín hiệu mở thế hệ mới được sử dụng cho cả hai hệ thống vệ tinh. Một trong những kết quả đạt được rất tích cực của thỏa thuận này đó chính là những người sử dụng tín hiệu GNSS trên toàn thế giới cùng khai thác những tín hiệu tương tự nhau được phát đi từ các hệ thống vệ tinh khu vực hoặc vệ tinh toàn cầu, cụ thể hơn nữa đó chính là phương thức điều biến tín hiệu MBOC, sản phẩm được xác định bởi Hoa Kỳ và Cộng đồng Châu Âu (Galileo, GPS, BeiDou, QZSS), phương thức điều biến ALTBOC thỏa thuận với BeiDou và tín hiệu chung E6 thỏa thuận với QZSS.

Chương trình Galileo sẽ cung cấp các dịch vụ riêng khác biệt với các hệ thống vệ tinh khác, cùng với đó thì các chức năng cũng như các mức hiệu năng hoạt động của hệ thống chưa từng có bất kỳ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu nào có đủ khả năng để thực hiện.

Người sử dụng sẽ nhận được những dịch vụ gì và khi nào sẽ nhận được từ Galileo?

Các dịch vụ liệt kê dưới đây được xây dựng dựa vào những kết quả điều tra thu được từ cộng đồng người sử dụng và các thành viên thuộc Cộng đồng Châu Âu, cụ thể sẽ bao gồm:

- Dịch vụ mở OS (An Open Service): Với khả năng xác định vị trí điểm độc lập đạt độ chính xác trong khoảng 1 mét sử dụng đồng thời ba tần số khác nhau (E5a, E5b và L1). OS là dịch vụ hoàn toàn miễn phí đối với tất cả người sử dụng và cung cấp đồng thời số liệu vị trí cũng như thông tin đồng bộ với định hướng khai thác chủ yếu trong các ứng dụng định vị dẫn đường yêu cầu phần lớn thông tin phải được cung cấp từ vệ tinh;

- Dịch vụ công hạn chế PRS (A Public Regulated Service): PRS là dịch vụ hạn chế phục vụ cho người sử dụng trong phân khúc chính phủ thông qua việc cấp quyền sử dụng riêng. PRS dự kiến khai thác trong các ứng dụng cao cấp đòi hỏi việc duy trì liên tục số liệu định vị ở mức cao nhất. PRS sử dụng các tín hiệu được mã hóa rất chặt chẽ. Các lĩnh vực ứng dụng đã được xác định của PRS bao gồm: Tất cả các hoạt động liên quan tới đảm bảo an ninh cho các thành viên của Cộng đồng Châu Âu, Ủy ban Châu Âu, Liên minh Châu Âu, Trung tâm Hành động Ngoại vụ Châu Âu, và tất cả các cơ quan đại diện của Cộng đồng Châu Âu khác có nhiệm vụ liên quan tới an nình. Các thành viên không thuộc Cộng đồng Châu Âu cũng có thể truy cập sử dụng dịch vụ PRS thông qua các thỏa thuận hợp tác cụ thể;

- Dịch vụ bổ sung cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn SAR (The Search and Rescue Service) của hệ thống COSPAS-SARSAT: Dịch vụ tìm kiếm và cứu nạn toàn cầu của Galileo sẽ giúp chuyển tiếp các tín hiệu yêu cầu hỗ trợ khẩn nguy tới các trung tâm hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn toàn cầu bằng cách xác định các tín hiệu khẩn cấp từ các trạm dẫn đường và hồi chuyển các bản tin trong chế độ cận thời gian thực;

- Các dịch vụ bổ sung cho kiểm soát tính toàn vẹn IMS (Integrity Monitoring Services): Trên nền tảng các tín hiệu từ dịch vụ OS của Galileo, kết hợp hoạt động với các hệ thống vệ tinh dẫn đường khác, hỗ trợ cho các ứng dụng đảm bảo an toàn sinh mạng tuân thủ theo các tiêu chuẩn quy định mang tính quốc tế;

- Dịch vụ thương mại CS (A Commercial Service): Dịch vụ được mã hóa và được sử dụng cho những mục đích xác định rõ ràng. CS có nhiều mức độ chính xác siêu cao từ vài mm đến cỡ dm. CS tập trung vào các ứng dụng mang tính chuyên nghiệp cũng như các ứng dụng thương mại đòi hỏi độ chính xác cao, năng lực hoạt động không hạn chế, với đa dạng các dịch vụ gia tăng mà dịch vụ OS không có.

Ngay trong năm 2016, Galileo sẽ làm tất cả để bắt đầu cung cấp các dịch vụ như OS, SAR và PRS. Các dịch vụ tiên phong này sẽ được nâng cấp và điều chỉnh liên tục, hai dịch vụ IMS và CS sẽ được triển khai trong các bước tiếp theo, tất cả đều nằm trong mục tiêu hoàn chỉnh vào cuối năm 2020.

Việc điều chỉnh, tăng cường và hoàn chỉnh hoạt động cũng như năng lực của các dịch vụ được tiến hành trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, được triển khai song song với nhiệm vụ hoàn chỉnh trùm vệ tinh Galileo trên quỹ đạo. Theo kế hoạch đến cuối năm 2018, Galileo sẽ bao gồm 24 vệ tinh, đây là số lượng vệ tinh cần thiết để đảm bảo mục tiêu cung cấp dịch vụ Galileo trên bình diện toàn cầu, cho tới cuối năm 2020 khi bước vào giai đoạn hoàn chỉnh hệ thống Galileo sẽ bao gồm tổng cộng 30 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo đảm bảo đủ số lượng vệ tinh hoạt động cũng như các vệ tinh dự phòng nhằm duy trì ổn định các dịch vụ mà Galileo cam kết cung cấp cho người sử dụng.

Dưới đây là một số chức năng quan trọng đã được xem xét và có kế hoạch bổ sung cho các dịch vụ trọng tâm của Galileo, các chức năng mới bao gồm:

- Nâng cấp các bản tin dẫn đường của dịch vụ OS: Hay còn được biết đến với tên gọi khác là nâng cấp INAV, theo đó các bản tin mới cũng tương thích hoàn toàn với bản tin cũ tuy nhiên sẽ

(Còn tiếp)

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn