CyArk 500 – Dự án xây dựng hồ sơ bảo tồn dưới dạng số cho 500 điểm di sản văn hóa quan trọng trên thế giới (Phần 1)

Image Content

LỜI TỰA

Trái đất và thế giới nơi chúng ta đang sinh sống luôn vận động, thay đổi dưới những tác động khác nhau của tự nhiên và nhân tạo. Những tác động này là hệ quả của rất nhiều hoạt động diễn ra liên tiếp, không ngừng và không thể xác định chính xác thời gian bắt đầu hay kết thúc, phạm vi, ranh giới ảnh hưởng đến đâu. Sự biến đổi khí hậu có thể gây ra các thảm họa tự nhiên làm tuyệt chủng một vài giống loài hay tàn phá môi trường sống, nhưng cũng có thể tạo ra môi trường sống mới tốt hơn, hoàn thiện hơn; Sự phát triển kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ cũng mang lại giá trị hai chiều có thể đạt lợi ích trước mắt nhưng mang hiểm họa tiềm ẩn hay ngược lại, mà thực tế đã và đang diễn ra như áp lực của toàn cầu hoá, di dân, sự phát  triển của công nghệ thông tin, công nghệ điện toán, xung đột sắc tộc tôn giáo, xung đột vũ trang… tất cả đều dẫn tới những mối hiểm hoạ tiềm tàng nhưng cũng mang lại những cơ hội cho xã hội ngày càng phát triển. Ngày nay chúng ta có cơ hội liên kết với nhau dễ dàng hơn, chúng ta có thể sử dụng Internet ở mọi nơi, mọi lúc, chúng ta có cơ hội đi tới nhiều quốc gia để thăm quan, du lịch khám phá … và quan trọng hơn cả là tất cả mọi người đều có cơ hội để ngắm nhìn nhưng công trình văn hoá vô giá không chỉ là di sản của một quốc gia mà còn là di sản của cả nhân loại.

Hàng ngày, chúng ta phải đối diện với những hiểm hoạ của tự nhiên, những cuộc xung đột hay nội chiến, và trên hết đó là những khó khăn cần phải vượt qua để cải thiện điều kiện sống cho hơn 2/3 dân số thế giới hiện đang sống dưới mức sống cơ bản. Hậu quả của những việc này ảnh hưởng trực tiếp tới các điểm di sản văn hoá quan trọng, nơi đại diện mang những dấu ấn đặc thù và cũng là căn nguyên, gốc rễ của từng xã hội loài người – Những di sản văn hoá quan trọng này luôn trong tình trạng bị đe doạ ở mức nguy cấp. Một số di sản sẽ biến mất, một số đã bị biến mất hoàn toàn mà không có cơ hội để phục chế. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng ta có thể bảo vệ, bảo tồn những di sản văn hoá còn lại cho các thế hệ mai sau?

CyArk được sinh ra để thực hiện sứ mệnh này, nhiệm vụ quan trọng của dự án là phải giải quyết được vấn đề khó khăn đã được phân tích trên đây. Mục tiêu đặc biệt của dự án là thực hiện việc bảo tồn dưới dạng số (Digital Preservation) các di sản văn hoá quan trọng của nhân loại thông qua trang chủ lưu trữ an toàn thông tin tổng hợp 3 chiều (3D) cho từng di sản. Dự án CyArk 500 hướng tới mục tiêu bảo tồn dưới dạng số cho 500 điểm di sản văn hoá quan trọng nhất trên thế giới trong vòng 5 năm.

1. GIỚI THIỆU

CyArk là ai? CyArk là tổ chức phi lợi nhuận thực hiện nhiệm vụ bảo tồn các di sản văn hoá thế giới dưới dạng kỹ thuật số thông qua việc thu thập, xử lý, lưu trữ và truy cập mở vào cơ sở dữ liệu đã được tạo ra bởi máy quét laser 3D, các mô hình dạng số, máy chụp ảnh kỹ thuật số độ phân giải cao, và các kỹ thuật công nghệ tiên tiến. CyArk được thành lập từ năm 2003 dưới dạng một dự án của Quỹ Gia Đình Kacyra KFF (Kacyra Family Foundation), có trụ sở đặt tại Orinda, California, Hoa Kỳ. CyArk là kết quả hội tụ những kinh nghiệm của Ông Kacyra trong thời gian điều hành Công ty Cyra Technologies từ đầu những năm 1990 đến năm 2001, Cyra Technologies được biết đến là Công ty đầu tiên trên thế giới nghiên cứu và chế tạo thành công máy quét laser 3D. Ý tưởng của CyArk được coi là sự đổi mới mạnh mẽ về cách thức sử dụng kỹ thuật LIDAR tính kết hợp với các bức ảnh chụp độ phân giải cao để thu thập các đám mây điểm 3D và các bức ảnh mô tả chi tiết các khía cạnh của từng di sản.

1.1. Dự án CyArk 500 giai đoạn thử nghiệm

Dự án CyArk thử nghiệm CPP (CyArk Pilot Project) khởi động vào năm 2003. CPP được triển khai nhằm mục đích đánh giá việc sử dụng kỹ thuật cao phục vụ cho các ứng dụng bảo tồn liên quan tới các di sản quan trọng trên thế giới. Để tận dụng được những lợi thế mà kỷ nguyên Truy Cập Mở (Open Access) mang đến cho tất cả những người sử dụng trên thế giới, thách thức phải giải quyết đó chính là việc áp dụng các kỹ thuật và công nghệ mới vào phục vụ cho mục đích bảo tồn di sản dưới dạng số trong không gian 3 chiều. Cụ thể hơn, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi đã xác định rõ những thách thức:

- Giải quyết được phần kinh phí quét laser 3D và lập tài liệu dạng kỹ thuật số;

- Tạo ra các sản phẩm kết quả có ý nghĩa phục vụ cho khai thác và lưu trữ;

- Khắc phục được những khó khăn là nguyên nhân thất bại của những thử nghiệm ứng dụng công nghệ quét laser mà các tổ chức khác đã triển khai;

- Quản lý và lưu trữ khối số liệu rất lớn bao gồm cả số liệu gốc, sản phẩm trích xuất từ số liệu gốc và các tài liệu khác có liên quan;

- Cung cấp dịch vụ xem các đám mây điểm 3D trực tuyến trên Web trong chế độ thời gian thực.

CPP đã mất tới 5 năm triển khai kiểm chứng các giả thuyết, phát triển các công cụ, thử nghiệm mô hình lưu trữ kết quả, tạo ra các sản phẩm dẫn xuất … Những kết quả đạt được này đã được thử nghiệm kỹ lưỡng, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật giải quyết được tất cả những khó khăn đặt ra từ thất bại của những dự án tương tự. CPP được hoàn tất bởi sự đóng góp của các thành viên. Kết quả cuối cùng là sự ra đời của CyArk với mục tiêu cao hơn – Là tổ chức phi lợi nhuận triển khai trên toàn thế giới theo một tiêu chuẩn đã được xác định rõ ràng.

Kết quả đạt được của CPP làm sửng sốt giới nghiên cứu: Tổng số 17 địa điểm di sản đã được lập tài liệu, lưu trữ, tạo các sản phẩm dẫn xuất và công bố rộng rãi cho kết quả cho cộng đồng thông qua trang chủ của CyArk (Xem Hình 1). Ngay từ giai đoạn thử nghiệm, đã có hơn 60 đối tác khắp nơi trên thế giới tham gia CPP, đóng góp và hỗ trợ những cố gắng của nhóm thử nghiệm để có được kết quả thành công mỹ mãn cho CPP. Trang chủ đăng tải thông tin đã xử lý và lưu trữ đón hơn 25.000 lượt truy cập mỗi tháng. Vượt trên tất cả, CyArk chính là điểm hội tụ và tôn vinh những đóng góp của tất cả các đối tác trên toàn thế giới cùng tham gia vào dự án tham vọng và đầy tính nhân văn này. Tới thời điểm hiện tại, rất nhiều các đối tác, tổ chức và người sử dụng đã tìm đến và sử dụng hệ thống CyArk làm nơi lưu trữ số liệu an toàn và cũng là điểm hỗ trợ truy cập khai thác thông tin tối ưu phục vụ cho các dự án hay công trình nghiên cứu.

(Còn tiếp)

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử:   

info@anthi.com.vn