Công bố sản phẩm cơ sở dữ liệu 3D khu vực Hiển Lâm Các - Thế Miếu. Chương trình xây dựng ngân hàng dữ liệu bảo tồn di tích Cố Đô Huế dưới dạng số

Image Content

Thành phố Huế ngày 22/10/2013

Tiến sỹ Phan Thanh Hải (bên phải) tiếp nhận sản phẩm cơ sở dữ liệu 3D khu vực Hiển Lâm Các – Thế Miếu do đại diện Công ty TNHH ANTHI Việt Nam bàn giao.

Ngày 22/10/2013, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Công ty TNHH ANTHI Việt Nam đã công bố sản phẩm cơ sở dữ liệu 3D của các công trình tại khu vực Thế Miếu – Hiển Lâm Các do Công ty TNHH ANTHI Việt Nam tài trợ thông qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Tham dự buổi lễ có đại diện các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của Trung ương và Địa phương cùng Ban Giám đốc và Đại diện các Phòng, Ban của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Sau gần một tháng phối hợp triển khai, các cán bộ kỹ thuật của hai đơn vị đã hoàn chỉnh toàn bộ nội dung của cơ sở dữ liệu khu vực Hiển Lâm Các dưới dạng mô hình kỹ thuật số 3 chiều có độ chính xác cao. Theo Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đây thực sự là bước tiến quan trọng về mặt công nghệ bảo tồn dưới dạng số, bởi thông qua các mô hình 3 chiều trong cơ sở dữ liệu này, toàn bộ hình ảnh, kích thước, màu sắc, mối quan hệ không gian, tình trạng hiện thời của các đối tượng trong khu vực Hiển Lâm Các đều được thể hiện đầy đủ.

Cũng theo Tiến sỹ Phan Thanh Hải, trong tương lai khi chương trình thiết lập Ngân hàng dữ liệu bảo tồn Di tích Cố đô Huế dưới dạng số triển khai mở rộng, sẽ có nhiều công trình của Di tích Cố đô Huế được tiếp tục quét, cập nhật, lưu trữ an toàn thông tin. Trong trường hợp có bất kỳ sự cố nào có khả năng làm hư hại tới các công trình trong Di tích Huế, cơ sở dữ liệu 3 chiều này sẽ là nền tảng phục vụ cho quá trình đo đạc, thiết kế, lập bản vẽ, thử nghiệm các phương án phục dựng lại nguyên trạng toàn bộ công trình. Cũng từ cơ sở dữ liệu này, chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm dẫn xuất đa dạng phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch, phim ngắn 3 chiều, ảnh toàn cảnh 360 độ, bản vẽ 2 chiều, công bố chia sẻ số liệu rộng rãi trên Internet với cộng đồng Quốc tế, xây dựng các bài học lịch sử …

Qua chương trình hợp tác này, các cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ có thêm kinh nghiệm về kỹ thuật quét laser 3 chiều và sử dụng dữ liệu thu được một cách có hiệu quả trong các hoạt động trùng tu di tích, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, độ chính xác của công trình nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo tồn trùng tu và phát huy giá trị Di tích Huế - Di sản Văn hoá Thế giới. Chương trình thử nghiệm này cũng đưa ra một hướng hợp tác mới giữa Ban Quản lý các khu Di sản, Tổ chức Quốc tế và Doanh nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức cho các Cơ quan Quản lý Di sản trên cả nước về việc ứng dụng kỹ thuật số trong công tác bảo tồn, quản lý và quảng bá hình ảnh Di sản.

Khu vực Hiển Lâm Các – Thế Miếu bắt đầu từ Hiển Lâm Các là công trình cao nhất trong Hoàng Thành Huế ngày xưa với độ cao khoảng 17 mét được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành vào năm 1822 thời vua Minh Mạng. Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công lao của các Vua nhà Nguyễn và các Quan đại thần cho triều đại. Hiển Lâm Các là công trình được xây dựng bằng gỗ và có kiến trúc độc đáo trong số các công trình còn lại của Di sản Huế.

Mô hình 3 chiều công trình Hiển Lâm Các tỷ lệ 1:1 với khả năng đo đạc các đối tượng có độ chính xác lên tới 2mm – 4mm.

 

Các thao tác xử lý trên máy tính đơn giản, giúp cán bộ bảo tồn có thể đo vẽ tính toán các thông số ngay trên hình ảnh 3 chiều Hiển Lâm Các hiển thị trên màn hình.

Bản tin GIẢI PHÁP TRUYỀN PHÁT LẠI TÍN HIỆU ĐỊNH VỊ VỆ TINH GPS sẽ được chúng tôi tiếp tục gửi tới Quý độc giả trong kỳ kê tiếp. Xin trân trọng cảm ơn!

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử:  info@anthi.com.vn