ANTHI Việt Nam phối hợp với Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (FIPI) tiến hành thử nghiệm thiết bị dự án NFA tại các khu rừng thuộc tỉnh Hòa Bình

Image Content

Trong khuôn khổ bản tin công nghệ hàng tuần, bắt đầu từ Bản tin số 21, chúng tôi sẽ trích giới thiệu về kết quả đánh giá ban đầu của việc thử nghiệm sử dụng các thiết bị hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát lâm nghiệp, trong chương trình hợp tác triển khai giữa các chuyên gia Dự án NFA-Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (FIPI) và Công ty TNHH ANTHI Việt Nam. Qua đây, chúng tôi cũng mong Quý Độc giả cũng có thể tìm hiểu thêm và lựa chọn được những thiết bị phù hợp với ứng dụng của mình khi có nhu cầu.

1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ DỰ ÁN NFA.

Ngày 4/3/2011 tại Hà nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn -  Ông Hứa Đức Nhị và Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương – Liên hiệp quốc tại Hà Nội - Bà Yuriko Shoji đã ký Hiệp định tài trợ cho Dự án “Hỗ trợ chương trình đánh giá và theo dõi lâu dài tài nguyên rừng và cây phân tán toàn quốc tại Việt Nam - NFA”. Dự án NFA là một phần nằm trong Chương trình toàn cầu “Quản lý rừng bền vững trong bối cảnh Biến đổi khí hậu” của FAO và Chính phủ Phần Lan.

Lễ ký kết Dự án “Hỗ trợ chương trình đánh giá và theo dõi lâu dài tài nguyên rừng và cây phân tán toàn quốc tại Việt Nam –NFA”

Mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp, đặc biệt là Viện Điều tra Quy hoạch rừng trong việc xây dựng và thực hiện chương trình điều tra, đánh giá, theo dõi tài nguyên rừng và cây phân tán toàn quốc, cũng như lồng ghép hỗ trợ kỹ thuật đối với Dự án Tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc, giai đoạn 2011 - 2015. Đây là Dự án rất thiết thực, việc triển khai sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong công tác điều tra, theo dõi và giám sát tài nguyên rừng nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý sử dụng bền vững tài nguyên rừng quốc gia và tiến trình hội nhập quốc tế cũng như các nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Các kết quả chính của dự án bao gồm:

* Tạo được sự nhất quán rộng rãi ở cấp quốc gia về nhu cầu và phương pháp tiếp cận đối với Chương trình Điều tra đánh giá và Theo dõi tài nguyên rừng toàn quốc tại Việt Nam thông qua việc tính đến yêu cầu người sử dụng thông tin và trách nhiệm quốc gia trong báo cáo quốc tế bao gồm cả Chương trình UN REDD+ ;

* Năng lực Tổng cục Lâm nghiệp và Viện Điều tra Quy hoạch rừng trong việc thu thập, phân tích và phổ biến các thông tin về tài nguyên rừng được tăng cường;

* Chuẩn bị được cơ sở để xây dựng bản đồ rừng và sử dụng đất quốc gia dựa trên hệ thống phân loại rừng, sử dụng đất đã được hài hòa hóa phục vụ cho việc giám sát Chương trình “Giảm thiểu khí phát thải do mất rừng và suy thóai rừng tại các nước đang phát triển” (REDD+)  và dự án “Phát triển Hệ thống thông tin quản lý ngành Lâm nghiệp” (FORMIS);

* Chương trình Điều tra, Đánh giá và Theo dõi tài nguyên rừng và cây phân tán toàn quốc được thực hiện;

* Khung công tác giám sát lâu dài về tài nguyên rừng được thiết lập.

2. THỬ NGHIỆM THIẾT BỊ PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐIỀU TRA RỪNG.

Sau một thời gian hợp tác, trao đổi tích cực về các giải pháp công nghệ phục vụ chuyên ngành Lâm nghiệp, phù hợp với thực tế công nghệ hiện có tại Viện Điều tra Quy hoạch Rừng. Đầu tháng 8 vừa qua, được sự chấp thuận của Ban lãnh đạo hai cơ quan, Công ty TNHH ANTHI Việt Nam đã phối hợp với các chuyên viên của dự án “Hỗ trợ công tác điều tra, theo dõi lâu dài tài nguyên rừng và cây phân tán toàn quốc –NFA”, triển khai chuyến công tác thực tế để thử nghiệm các thiết bị và các giải pháp đo đạc nhằm xây dựng danh mục thiết bị phục vụ công tác điều tra, kiểm kê rừng một cách đầy đủ, chính xác và hợp lý nhất, đáp ứng thiết thực cho những nhiệm vụ cụ thể của dự án.

2.1. Thành phần đoàn công tác

Thành phần đoàn công tác thực địa, về phía FIPI – NFA gồm có ông Đặng Quang Thuyên - Trưởng đoàn, các chuyên viên là ông Mai Văn Tĩnh, ông Phạm Tuấn Anh và ông Phạm Văn Việt. Phía Công ty ANTHI là ông Nguyễn Minh Phong  - phụ trách kỹ thuật hợp phần thiết bị lâm nghiệp.

2.2. Thiết bị thử nghiệm

Caliper (Hãng Haglöf - Thụy Điển): Đo đường kính thân cây ngang ngực, chiều cao, độ dốc, khoảng cách, góc phương vị.

Vertex (Hãng Haglöf - Thụy Điển): Đo chiều cao, độ dốc, khoảng cách, góc phương vị.

Criterion RD1000 (Hãng LaserTech Inc. - Mỹ): Đo đường kính thân cây ngang ngực, chiều cao, độ dốc, IN/OUT.

Trupulse 360B (Hãng LaserTech Inc. - Mỹ): Đo chiều cao, độ dốc, khoảng cách, góc phương vị.

Juno SC (Hãng Trimble Navigation Ltd. - Mỹ): Định vị tọa độ điểm, thu thập số liệu GIS thực địa, truyền số liệu về văn phòng bằng công nghệ 3G.

Ngoài ra, các cán bộ kỹ thuật cũng thử nghiệm sử dụng giải pháp tổng thể được thiết kế đặc biệt phục vụ chuyên ngành lâm nghiệp - Field Map do hãng IFER cung cấp. Giải pháp Field Map hiện cũng đang được triển khai một cách có hiệu quả tại FIPI.

2.3. Địa điểm triển khai

Địa điểm đoàn công tác lựa chọn ô lấy mẫu thử nghiệm thiết bị là khu vực rừng tự nhiên thuộc địa phận Ban Quản lý Khu rừng Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò tại thị trấn Mai Châu với đặc điểm rừng giàu, đá lộ đầu chiếm 30%, thảm thực bì dày, độ chênh cao trung bình của ô mẫu từ 2,5m – 3m và khu vực rừng trồng tại xã Trung Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

2.4. Phương thức triển khai

Phương án đo đạc kiểm nghiệm được áp dụng trên cùng một ô mẫu, lựa chọn các cây có đường kính ngang ngực (DBH) từ 5 cm trở lên, đánh số từng cây trong khu vực ô mẫu. Kỹ thuật viên sử dụng lần lượt các thiết bị, đo toàn bộ các cây đã đánh số để đảm bảo đánh giá chính xác số liệu và các sai số xuất phát từ kỹ thuật đo hay do công nghệ chế tạo riêng của các loại thiết bị khác nhau. Số liệu đo tập trung vào các thông số cơ bản như:

* Đường kính ngang ngực;

* Chiều cao cây;

* Khoảng cách từ tâm ô đến các cây trong ô mẫu;

* Độ dốc của ô mẫu.

...Còn nữa...

Quý độc giả vui lòng theo dõi tiếp trong Bản tin Công nghệ số 22 Phát hành ngày 29/08/2011

Khi cần thêm thông tin chi tiết, Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử:

 info@anthi.com.vn